Cát tự nhiên khan hiếm buộc các nhà thầu xây dựng lớn phải tìm các nguồn nguyên liệu khác thay thế để tránh ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm. |
Giá cát tăng vì siết chặt nạn khai thác lậu
Theo số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng công bố hồi tháng 4/2017, giá cát san lấp ở mức 150.000 đồng/m3, cát xây tô 160.000 đồng, cát bê tông 220.000 đồng. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên thì hiện nay giá tăng 40-60%. Theo đó, cát san lấp đang có giá 200.000 đồng/m3, cát xây tô lên 250.000 đồng, đặc biệt cát bê tông tăng mạnh nhất lên 450.000 đồng/m3.
Trong vai người đi mua cát, chúng tôi được một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lê Văn Thọ, Q. Gò Vấp, TP.HCM hét giá cát vàng dùng để làm hồ xây lên 560.000 đồng/m3, cát đen cũng được đẩy lên đến 350.000 đồng/m3. Người bán khẳng định với chúng tôi, tìm khắp Gò Vấp chỗ nào bán rẻ hơn thì cho luôn.
Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại Q.12 nói với phóng viên rằng cửa hàng của anh liên tục nhập cát nhưng không có nhiều hàng để bán. Nhiều đơn hàng của một số công ty phải báo giá lại, thậm chí hoãn vì không đủ lượng. Đặc biệt, các loại cát hiện xấu hơn so với trước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận mua dù giá cao ngất ngưởng.
Lý giải nguyên nhân giá cát tăng cao, nhiều chủ cửa hàng cho biết thời gian qua có quá nhiều đơn vị khái thác cát lậu nên bị cơ quan quản lý siết chặt. Mặt khác, nguồn hàng trong nước đẩy ra nước ngoài nhiều dẫn đến khan hiếm và giá bị đội lên cao.
Đồng ý quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho rằng hiện nay chính quyền các cấp đã quản lý để chặn đứng các nguồn khai thác cát lậu tại các địa phương, từ đó làm giá thành cát tăng lên.
Theo ông Châu, giá cát tăng có nguyên nhân do nguồn cung cát bị giảm thiểu khi các địa phương tăng cường quản lý đối với địa bàn trong việc chống cát tặc, cát lậu.
Nhiều thời điểm, cửa hàng vật liệu xây dựng thiếu cát trầm trọng. |
Không có chuyện tăng giá nhà ở do giá cát tăng
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết: “Giá cát tăng sẽ tác động tới những công trình cầu đường, còn đối với các công trình xây dựng nhà ở thì hầu như không bị ảnh hưởng hoặc nếu có cũng rất ít”.
Từ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng dự án, ông Đực cho rằng sẽ không có chuyện tăng giá nhà ở do giá cát tăng. Lý do, chi phí cát chỉ chiếm khoảng 1% tổng chi phí xây dựng của công trình nhà ở. Trong khi đó, giá bán đối với phân khúc nhà ở xã hội, chi phí xây dựng chiếm khoảng 60-70%. Với phân khúc cao cấp thì chi phi này chỉ chiếm khoảng 30-40% giá bán. Cho nên, 1% ảnh hưởng rất ít tới giá thành sản phẩm căn hộ mà chủ đầu tư đưa ra.
Ông Huỳnh Nhân Quang, Trưởng phòng Vật tư CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, đánh giá, thời gian vừa qua giá cát tăng đột biến do Nhà nước có các biện pháp kiểm soát những đơn vị khai thác cát dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Giới buôn bán cát lợi dụng tạo sự khan hàng, đẩy giá cát tăng cao, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng và thị trường xây dựng nói chung.
“Hiện Hòa Bình vẫn chủ động tìm các nguồn cung cấp cát trên thị trường để duy trì tiến độ thi công đúng cam kết với khách hàng, mặc dù chi phí bị ảnh hưởng khá nhiều. Hòa Bình đang tính đến phương án sử dụng vữa xây tô trộn sẵn để thay thế phương thức truyền thống cát + xi măng” - ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết thêm, sau đợt khan hiếm cát xây dựng, Hòa Bình đã chủ động đặt vấn đề với các đơn vị sản xuất vữa và xi măng về nhu cầu sử dụng vật liệu vữa trộn sẵn.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về phê duyệt đề án đẩy mạnh, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thay thế cát san lấp thì không chỉ giải quyết được bài toán khan hiếm cát, mà còn phần nào bảo vệ môi trường và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên.
Hiện nay, các loại cát nhân tạo đã được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng ở nhiều nơi, đặc biệt là những nơi thiếu cát tự nhiên trầm trọng, khó vận chuyển thì đây là một giải pháp tối ưu.
Theo các chuyên gia xây dựng, cát tự nhiên phục vụ xây dựng hiện nay không đủ đáp ứng tốc độ đô thị hóa và xây dựng. Do đó, để đảm bảo sự bền vững về lâu dài của thị trường, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên. Cát nhân tạo sẽ giúp thị trường xây dựng ít biến động, lúc đó người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi.