Tuy nhiên, một số đề xuất lại không nhận được sự đồng tình từ phía Bộ GTVT.
Nhiều bất cập trong đề xuất
Nhằm tăng cường công tác xử lý vi phạm luật giao thông, ngăn ngừa tái phạm, hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức người dân, Phòng CSGT Hà Nội đã đề xuất với UBND TP một số giải pháp như: Rút ngắn thời hạn cấp GPLX ô tô, quy định cá nhân khi đăng ký xe ô tô phải có tài khoản ngân hàng… Cụ thể, Phòng CSGT Hà Nội kiến nghị, cần siết chặt quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; cần chuyển giao công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Đặc biệt, CSGT Hà Nội cũng kiến nghị nên quy định áp dụng thang điểm 10 tối đa đối với mỗi GPLX được cấp. Nếu người điều khiển vi phạm bị trừ hết số điểm thì phải thi, sát hạch lại như lần đầu để được cấp lại GPLX. Ngoài ra, với GPLX ô tô hạng B2 nên rút ngắn thời hạn còn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay.
Thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch ô tô Việt Thanh. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Tuy vậy, những đề xuất này đã không nhận được sự đồng tình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho rằng, đề nghị này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX hiện do ngành GTVT quản lý là phù hợp với luật pháp trong nước và chủ trương hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, việc chấm điểm cũng tương tự bấm lỗ trên GPLX trước đây. Hình thức quản lý này đã cho thấy không hiệu quả và nảy sinh nhiều tiêu cực nên phải bãi bỏ vào năm 2007.
Còn chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cũng nhìn nhận: “Đưa thêm cả một hệ thống trường đào tạo, sát hạch, cấp GPLX vào hệ thống Công an sẽ chồng chất thêm gánh nặng cho lực lượng vốn có nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an ninh xã hội này. Việc học, thi, cấp GPLX là hoạt động dân sự nên để các cơ quan chính trị làm sẽ phù hợp hơn”.
Nâng cao trách nhiệm bằng tài khoản “đặt cọc”
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng đề xuất ban hành quy định công dân đến đăng ký sở hữu phương tiện ô tô phải có thẻ tín dụng tại ngân hàng để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Những trường hợp vi phạm luật giao thông bị phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát trên đường phố sẽ nhận được thông báo về hành vi vi phạm của mình, đồng thời bị khấu trừ thẳng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong tài khoản. Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công An cho rằng, đây là một ý kiến rất tích cực. Việc quy định mở tài khoản sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hình thức phạt nguội thông qua camera giám sát giao thông tự động. Từ đó, CSGT sẽ có thể quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong chấp hành các quy định về bảo đảm ATGT. “Hiện nay, việc phạt nguội qua hình ảnh đối với chủ phương tiện, người vi phạm rất khó khăn, nhiều trường hợp được thông báo về địa phương nhưng người vi phạm, chủ phương tiện không tự giác chấp hành” - Thiếu tướng Trần Sơn Hà thông tin.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với ý kiến nêu trên, khi nhận định tài khoản ngân hàng bắt buộc này không chỉ là công cụ phục vụ xử phạt vi phạm, mà còn là một khoản “đặt cọc”, có tác dụng nhắc nhở người tham gia giao thông, đặc biệt là lái xe ô tô luôn có ý thức chấp hành luật. Liên quan đến đề xuất này, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ tiếp thu, nghiên cứu và chuyển các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đề xuất UBND TP cho lắp đặt thêm 3.000 camera trên các tuyến phố nội thành để phục vụ công tác đảm bảo trật tự, ATGT và xử phạt vi phạm giao thông. Việc quy định hiệu lực của GPLX ô tô hạng B2 là 10 năm như hiện nay phù hợp với Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ ban hành 16/11/2010 về đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho người lái xe hạng B không kinh doanh vận tải. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam |