Thứ 6, 22/11/2024, 11:53 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Kinh nghiệm mua ô tô đã qua sử dụng – sai một ly, đi đống tiền

Kinh nghiệm mua ô tô đã qua sử dụng – sai một ly, đi đống tiền
(Tieudung.vn) - Nếu mua phải một chiếc xe từng bị ngập nước hoặc đâm đụng nặng, bạn sẽ vô cùng khốn đốn với những bệnh tật phát sinh của nó. Tiêu dùng 24h sẽ chia sẻ cùng bạn kinh nghiệm mua ô tô đã qua sử dụng và những thiệt hại nếu bạn mắc sai lầm.

Mô tả ảnh
Kiểm tra các lỗi của xe thông qua máy đọc và phần mềm chuyên dụng kết nối với bộ điều khiển trung tâm

1_Xe bị tai nạn hay va chạm mạnh

Trong điều kiện sử dụng tại Việt Nam, các vết xước, sứt, móp méo nhẹ bên ngoài là khá phổ biến và không đáng ngại. Điều tồi tệ nhất là khi xe đã bị tai nạn nặng hoặc va chạm mạnh.

Nếu xe từng bị tai nạn hoặc va chạm mạnh, đường keo chỉ đàn hồi trên các mép cánh cửa hoặc mép ca-pô có thể sẽ bị biến dạng hoặc bong. Keo chỉ được làm lại bằng các vật liệu khác (silicon, matit…) có thể bị lộ, thiếu tương đồng và không nuột.

Mô tả ảnh
Công việc kiểm tra xe cũ trước khi đòi hỏi chuyên môn và kỹ lưỡng của chuyên gia

Hai đầu chassis ở đầu và đuôi xe cùng một số chi tiết khác như chân đèn pha, đèn hậu, chân két nước, giàn nóng điều hòa,… là những điểm giúp nhận biết xe từng bị tai nạn. Nếu tai nạn, các chi tiết có thể bị hàn và sơn trông mất tự nhiên, đầu chassis không còn sắc nét. Trên nhiều xe, đầu chassis có thể bị nhiều cụm chi tiết che khuất, rất khó quan sát. Mức độ cũ mới khác nhau giữa hai bên đèn cũng có thể là dấu hiệu cho thấy xe đã bị đâm đụng phải thay đèn.

Xe đã từng bị lật có thể để lại dấu vết là các khe hở giữa cửa và khung cửa, kính và khung kính không đồng nhất, lộ các vết keo dán kính, các gioăng cao su chống ồn bị trầy xước…

Nếu xe đã bị tai nạn nặng, hệ thống lái có thể sẽ bị nhao, khiến vô-lăng luôn bị ghì về một bên và xe không thể chạy thẳng khi người lái buông tay khỏi vô-lăng. Khung gầm và thân vỏ có thể bị gỉ sét hoặc rộp sơn sau một thời gian sử dụng. Chassis bị phục hồi sau tai nạn hoặc bị hàn nhiệt sẽ giảm độ cứng vững và mất cân đối.

2_Xe bị lỗi ngầm chưa được xử lý

Có thể tại thời điểm kiểm tra xe, đồng hồ trên táp-lô xe không hiển thị lỗi, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn mất cảnh giác. Nhiều hệ thống điện tử bị hư hỏng khiến cho việc sửa chữa rất tốn kém, như hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống cảm biến đo gió, hệ thống điều khiển hộp số tự động… và các chủ xe xóa tạm lỗi trước khi giao dịch.

Để có thể phát hiện lỗi chính xác, bạn cần mang xe tới các gara có thiết bị chuyên dụng đọc lỗi, với phần mềm được cập nhật.

Mô tả ảnh
Tháo nắp che máy động cơ để kiểm tra 

3_Xe quá cũ nát và bị tua công-tơ-met

Bạn đừng quan tâm đến chỉ số trên bảng đồng hồ, bởi tua công-tơ-mét là vấn đề khá phổ biến. Nếu mua phải xe cũ nát, bạn có thể sẽ mất rất nhiều chi phí thay thế hoặc đại tu. Hãy quan sát tổng thể chiếc xe và một số tiểu tiết.

Đĩa phanh: Đa phần các xe ngày nay đều sử dụng 4 phanh đĩa hoặc ít nhất cũng có 2 phanh đĩa phía trước. Dùng ngón tay miết lên bề mặt đĩa phanh và quan sát, nếu có nhiều rãnh và gờ thì có thể xe đã đi nhiều. Nếu đĩa phanh đã bị láng lại thì cần người có kinh nghiệm đánh giá.

Mô tả ảnh
Một đĩa phanh đã bị trước và mòn vẹt 

Khoang máy: Nếu xe chưa được vệ sinh tổng thể, màu động cơ sẽ cho biết xe chạy nhiều hay ít. Động cơ xe chạy nhiều sẽ có màu sẫm hơn so với các xe cùng dòng mà đi ít hơn. Nếu xe đã được rửa động cơ, việc nhận biết cần có .

Nội thất: Với nhiều xe trang bị nội thất da nguyên bản, chất lượng nội thất sẽ bộc lộ chất lượng xe. Với xe chạy nhiều, nội thất da có thể bị nứt gãy, rạn bùng nhùng, bong tróc, thậm chí là rách. Nếu nội thất da đã được phun sơn lại, hãy quan sát chân các đường chỉ may và so sánh với các ngóc ngách có thể không phun sơn tới.

Mô tả ảnh
Nội thất da của xe đã xuống cấp nghiêm trọng, cần phải biết đánh giá và định giá 

Ngoài ra, những người có kinh nghiệm cũng có thể đánh giá một chiếc xe đã sử dụng nhiều hay ít bằng cách quan sát mức độ bạc màu của vô-lăng, độ sờn cần số hay độ mòn của chân ga và chân phanh, độ bạc màu của trần xe, bậc bước…

Hãy cẩn thận với những chiếc xe từng là taxi. Hãy kiểm tra trên mặt táp lô bên ghế phụ, có thể sẽ thấy các lỗ (để lắp các thiết bị cho xe taxi như đồng hồ, bộ đàm…) đã được hàn kín nhưng không đều như những chỗ khác trên bề mặt. Tiếp đó, hãy kiểm tra các đường dây điện, xem có bị cắt, nối nhiều hay không vì có thể chủ xe trước đó đã đấu nối thêm các thiết bị khác của xe taxi.

4_Xe từng bị thủy kích

Thường sau khi xe bị ngập nước, chủ xe sẽ dọn lại toàn bộ. Nếu quá trình xử lý hậu quả được tiến hành cẩn thận tại các xưởng chuyên nghiệp thì rất khó để nhận biết xe bị ngập nước hay động cơ bị thủy kích. Những chiếc xe bị ngập nước có thể rất lành lặn, nhưng sẽ bị gỉ ở nhiều nơi và hệ thống điện hay bị lỗi.

Mô tả ảnh
Nghi ngờ xe đã bị thiệt hại do để ngập nước 

Con mắt của người dày dạn kinh nghiệm có thể quan sát qua những bu-lông bắt lốc máy. Cũng có thể kiểm tra sơ bộ các chi tiết như xem sàn xe xem có các vết gỉ sét, các ốc bắt chân đỡ ghế có bị tháo (để phơi sấy nội thất).

Ngoài những thứ có thể kiểm tra bằng mắt thường như chất lượng nội thất hay chất lượng thân vỏ, nhiều chi tiết khác phải kiểm tra qua quá trình chạy thử hoặc phải nâng lên cầu tại các xưởng dịch vụ. Khi đó, các dấu hiệu bất thường hay những tiếng kêu sẽ cho bạn thông tin cần biết.

5_Động cơ sắp đến lúc phải đại tu

Mô tả ảnh
 

Ngay cả khi mọi thứ tưởng chừng rất ổn, xe không bị đâm đụng hay ngập nước, bạn vẫn có thể trở thành nạn nhân của sự cẩu thả mà người chủ cũ để lại.

Một dấu hiệu quan trọng có thể quan sát bằng mắt thường, là hãy mở nắp đổ dầu bôi trơn động cơ và xem xét dấu hiệu bên trong nắp đó. Nếu nắp đó bám cặn như bột cà phê/bồ hóng hoặc bùn sền sệt màu đen thì đó là dấu hiệu động cơ đã bị cháy dầu và có thể phải đại tu động cơ.

Mô tả ảnh
Dầu máy đã đóng keo trong hộp động cơ xe, khiến xe chạy dưới công suất của mình xa.

Dấu hiệu báo trước của tình trạng này có thể là động cơ nổ ồn hơn bình thường, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có đủ điều kiện lý tưởng để cảm nhận và so sánh.

6_Nhiều phụ tùng đắt đỏ phải thay thế

Hãy bật và tắt điều hòa và so sánh tiếng ồn giữa hai trạng thái trên. Nếu bật điều hòa mà ồn hơn rất nhiều, có thể kèm theo những tạp âm lạ thì có thể nhận định rằng máy nén điều hòa đã quá kém. Đại tu điều hòa của một chiếc xe hạng trung cũng có thể tiêu tốn vài chục triệu đồng.

Mô tả ảnh
Mỗi chi tiết trên xe đều thể hiện một điều gì đó và người xét xe cần ko được bỏ lỡ điều gì

Những tiếng kêu lục cục dưới gầm xe khi chạy trên đường xóc có thể báo cho bạn biết là các rô-tuyn ở đầu các thanh giằng hoặc thanh cân bằng cần phải thay thế. Xe bị rung mạnh khi cài số và đạp phanh có thể là biểu hiện cho thấy chân máy đã bị hỏng. Vết dầu loang lổ dưới đáy các-te có thể là biểu hiện của việc gioăng đã bị hỏng…

Chi phí phụ tùng còn tùy thuộc vào chủng loại và nhãn hiệu xe. Với một số thương hiệu, chỉ riêng việc thay thế cụm thanh giằng của hệ thống treo cũng có thể tiêu tốn cả chục triệu đồng.

7_Hồ sơ giấy tờ không minh bạch

Trường hợp thuận lợi nhất là khi chiếc xe do chính chủ bán. Chỉ cần người bán và người mua làm hợp đồng mua bán có công chứng là bạn có thể yên tâm giao dịch.

Nếu xe không phải do chính chủ đứng ra bán thì bắt buộc họ phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu. Hãy hỏi công chứng viên về tính hợp pháp của giấy ủy quyền đó. Hãy cẩn thận với những trường hợp mua bán xe mà người bán không thể ra phòng công chứng cùng bạn để làm hợp đồng mua bán mà phải thông qua các dịch vụ của “cò”.

Không nên vội vã tin lời hứa của ngưới bán hay các salon (nếu bạn chưa biết lai lịch hay uy tín của họ) về việc sẽ sang tên chính chủ cho chiếc xe sau khi bạn thanh toán đủ số tiền. Hãy làm hợp đồng ghi rõ ràng trách nhiệm về việc sang tên và điều khoản thanh toán kèm theo.

Tags:
(Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ của Gara Phúc Thịnh – ngã 3 Vũ Quỳnh – Phú Đô – Nam Từ Liêm – Hà Nội)
4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.81987 sec| 821.961 kb