Thứ 6, 22/11/2024, 13:30 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Giảm thuế nhập linh kiện cho Ôtô dưới 9 chỗ, tiết kiệm nhiên liệu?

Giảm thuế nhập linh kiện cho Ôtô dưới 9 chỗ, tiết kiệm nhiên liệu?
(Tieudung.vn) - Những nhóm xe ôtô được Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện phải là xe dưới 9 chỗ ngồi hoặc xe tải đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Quy định về kiểm tra chất lượng ATKT và BVMT trong sản xuất, lắp ráp
 

Giảm thuế nhưng kèm cam kết sản lượng

Theo đại diện Bộ Tài chính, kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hồi tháng Ba đã giao Bộ này rà soát và nghiên cứu Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ôtô nhằm khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện phụ tùng ôtô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được.

Thống kê của ngành tài chính cho thấy, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước nhập khẩu linh kiện, phụ tùng rời từ nhiều . Mức thuế trung bình nếu tính theo cả bộ linh kiện với xe dưới 9 chỗ ngồi khoảng 14-18%; xe 10 chỗ trở lên khoảng 15-17%; với xe tải, mức thuế trung bình là khoảng 7-14%.

Qua đó, phương án được đại diện Bộ Tài chính đưa ra là giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018 tới năm 2022 để lắp ráp cho 2 nhóm xe. Một là nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi. Hai là nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi. 

Về mức giảm thuế cụ thể, lãnh đạo ngành tài chính đề xuất 2 phương án. Một là giảm thuế nhập khẩu của 163 dòng thuế linh kiện ôtô nhập khẩu để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Phương án hai, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên từ mức 3-50% hiện tại về 0%. Đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị giảm thuế suất của 42 dòng thuế linh kiện để lắp ráp cho 2 nhóm xe nêu trên từ các mức 15%-25% xuống 10%. Với phương án này, mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% có thể xuống 9 – 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Tuy nhiên, dự thảo của Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc ưu đãi thuế nhập khẩu phải kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước.

Với xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống, doanh nghiệp phải đạt sản lượng chung tối thiểu loại xe trên năm 2018 là 34.000 xe và tăng trưởng khoảng 16% trong những năm tiếp theo. Tổng giai đoạn 2018-2022, sản lượng chung tối thiểu phải đạt 234.000 xe. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đặt điều kiện sản lượng riêng tối thiểu 1 mẫu xe năm 2018 là 20.000 xe và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước cũng năm này là 20%. Mức tối thiểu và tỷ lệ này trong 4 năm tiếp theo sẽ phải tăng dần, tới năm 2020, sản lượng tối thiểu 1 mẫu xe phải đạt 36.000 xe và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40%. Với lộ trình này, ngành tài chính tính toán, khả năng sẽ có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình.

Tương tự, với xe tải, sản lượng chung tối thiểu với loại xe này trong giai đoạn 2018-2022 phải là 56.000 xe trong đó sản lượng tối thiểu 1 mẫu xe là 30.000 xe. Tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của một mẫu cũng tăng dần từ 15% năm 2018 lên 40% năm 2022. Với lộ trình trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, khả năng trước mắt sẽ duy nhất chỉ có một công ty có khả năng đủ điều kiện tham gia chương trình.

Có lo bị các nước kiện?

Với hai phương án trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, quy định này có thể khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô bán, nâng cao sự cạnh tranh so với xe ôtô nhập khẩu. Việc yêu cầu các doanh nghiệp cam kết về sản lượng tối thiểu theo đánh giá sẽ là điều kiện ràng buộc để bảo đảm ngành sản xuất lắp ráp ôtô trong nước tăng được dung lượng thị trường với tỷ lệ tăng trưởng nhất định hàng năm, tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển sản xuất tại Việt Nam.

Ngược lại, nhược điểm được nêu lên là một số doanh nghiệp không có chủ trương mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ khó khăn do không được hưởng mức thuế suất 0%. Các công ty này sẽ thu hẹp sản lượng sản xuất lắp ráp và dần chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh thương mại.

Ngoài ra, báo cáo ngành tài chính cũng lường trước khả năng bị các nước thành viên WTO khiếu kiện hoặc gặp phản ứng từ các doanh nghiệp hay đại sứ quán của các nước không được hưởng lợi từ các chính sách này. Tuy vậy, đại diện cơ quan này cũng lưu ý, trong WTO cũng có ngoại lệ nếu việc ưu đãi thuế nêu trên là vì mục đích môi trường. Qua đó, quy định về điều kiện về tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng và tiêu chuẩn phát thải khí thải theo đánh giá sẽ giảm khả năng vi phạm cam kết WTO.

Về tác động tới ngân sách, báo cáo tính toán, phương án 1 sẽ khiến tổng số thuế nhập khẩu giảm 5.231 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp thu được do tăng sản lượng 535 tỷ đồng. Với phương án 2, tổng số thuế nhập khẩu sẽ giảm 3.505 tỷ đồng trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp có thể tăng 535 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành tài chính tính toán, trường hợp không thực hiện phương án nào nêu trên thì số thu thuế nhập khẩu đối với xe ôtô nguyên chiếc cũng sẽ giảm khoảng 22.256 tỷ đồng trong 5 năm 2018-2022 do tác động của việc thực hiện cam kết trong Hiệp định ATIGA (thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 30% và 5% xuống 0%)..

Trong khi đó, nếu thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô thì các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng sản lượng sản xuất lắp ráp xe ôtô nguyên chiếc trong nước. 

“Lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng lên thì sẽ giảm bớt được nhu cầu nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN,” báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá.

 

Tags:
Vietnam+
3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.14559 sec| 793.492 kb