Thứ 6, 19/04/2024, 04:28 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Đấu giá biển số xe thu nghìn tỷ, sao không làm?

Đấu giá biển số xe thu nghìn tỷ, sao không làm?
(Tieudung.vn) - Đưa ra đấu giá "kho" biển số ô tô đẹp có thể thu 5.000 tỷ, vì sao chúng ta lại không làm?

Mô tả ảnh
Với người giàu, sở hữu biển đẹp cho là nhu cầu có thật nên cần tính tới việc đấu giá biển số xe tạo nguồn thu cho ngân sách - Ảnh: Autodaily

Đó là câu hỏi được một số ĐBQH đặt ra tại phiên thảo luận sáng 29/5 về Luật Quản lý sử dụng tài sản công (sửa đổi), khi đề cập đến nội dung quản lý kho số, đấu giá biển số đẹp.

Biển số xe là tài sản công

Liên quan đến quy định về phân loại tài sản công quy định tại Điều 4, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, giải trình tiếp thu, chính lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định biển số xe đẹp là tài sản công, đồng thời bổ sung “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật” vào Khoản 6, Điều 4 của Dự thảo luật.

“Như vậy, không chỉ biển số xe đẹp là tài sản công mà tất cả các biển số xe đều là tài sản công, không phân biệt đẹp hay không đẹp”, ông Cảnh nói và cho rằng, việc xác định biển số đẹp hay không thì sau này sẽ dựa vào nhu cầu của mà các văn bản dưới luật sẽ quy định. Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể, ví dụ 20 triệu đồng cho 1 số theo yêu cầu. Đối với các số còn lại bấm ngẫu nhiên sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền.

Ông Cảnh cũng dẫn chứng những con số cụ thể mà ông đã nghiên cứu: Trong mỗi series số, ví dụ từ BKS 30A-000.01 đến 30A-999.99 có 99.999 số, sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ.

“Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng hơn 1.600 tỷ đồng. Với lượng bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số xe công, thì trong năm 2016 chúng ta có thể thu gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai tương tự cho xe 2 bánh cũng thu số tiền không kém”, ông Cảnh cho biết.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đặt câu hỏi: “Đưa ra đấu giá kho số đẹp thu được hàng nghìn tỷ như vậy, vì sao chúng ta lại không làm?”.

Không đồng tình, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) giơ biển xin tranh luận. “Làm thế nào mà có con số mấy nghìn tỷ như đại biểu nói? Người dân nghe thấy thế thì nghĩ chúng ta thiếu sót, làm thất thoát nhiều quá”, ông Phương nói và cho rằng, thực tế chỉ những ô tô đẹp mới hay tìm số đẹp như: Phát lộc, phát tài, tứ quý… còn với đa số người dân, nếu được số đẹp thì tốt còn không được cũng không sao. Vì thế, ông cùng một số ĐB khác đề nghị cân nhắc kỹ.

Mô tả ảnh
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu tại Quốc hội.

Hướng tới phương án dùng chung xe công

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, gây tai tiếng và phản ứng trong quần chúng. Vì thế, Luật đã bổ sung việc cấm “sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ”. 

Đề xuất khống chế thời gian cho thuê đất công

Liên quan đến vấn đề cho thuê tài sản công, ĐB Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ quan điểm đồng tình với các nội dung quy định chi tiết giao cho Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan T.Ư, UBND cấp tỉnh thực hiện việc hướng dẫn cho thuê, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, đề nghị luật cũng cần bổ sung 1 nội dung là việc cho thuê và liên doanh, liên kết phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, , không làm lộ bí mật Nhà nước, thông tin của các tổ chức, cá nhân. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần quy định rõ là khi sử dụng các tài sản này vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết thì cần khống chế thời gian cho thuê, hợp tác.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cần xử lý cả hành vi nhận, bởi đây mới là hành vi tiền đề của việc sử dụng. Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần thiết kế chặt chẽ hơn, bởi ngoài tặng xe, không loại trừ trường hợp có cả tiền. “Nhiều đơn vị người ta gợi ý luôn tôi có ô tô rồi, đề nghị tặng tiền. Đó là sự thật. Ngoài ra, cần bổ sung thêm thời điểm, bởi có trường hợp tặng đúng định mức, chế độ, quy định nhưng vào thời điểm nhạy cảm như khi xét thầu, thì khó có thể nói là không có mục đích. Các cụ đã tổng kết “của biếu là của lo, của cho là của nợ” là rất đúng”, ông Trí nói.

Liên quan đến khoán kinh phí sử dụng tài sản công, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thí điểm và áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công hiện mới được triển khai thực hiện ở một số cơ quan, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng.

Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc sử dụng ô tô công đang được thiết kế theo hướng dùng chung - Văn phòng Tỉnh ủy, UBND, HĐND sẽ là một đơn vị sử dụng ô tô chung, để đảm bảo việc giảm đầu xe, sử dụng xe tiết kiệm

Tags:
4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.78012 sec| 790.984 kb