Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 10 tháng đầu năm 2017 giảm 9% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 10%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 18%. Tính đến hết tháng 10/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14%, trong khi xe nhập khẩu tăng 6% so với cùng kỳ 2016.
Còn thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam IAV cho biết, tuy doanh thu bảo hiểm xe cơ giới trong 6 tháng đầu năm 2017 vẫn tăng 13%, nhưng so với con số của cùng kỳ năm 2016 là 23,7% thì rõ ràng mức độ tăng trưởng đã giảm đáng kể.
Trong bối cảnh thị trường xe ô tô được dự báo không nhiều tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, bảo hiểm xe cơ giới khó đạt mức tăng trưởng cao. Mùa mua sắm Tết đang đến, nhưng ghi nhận tại một số công ty bảo hiểm, doanh số mảng bảo hiểm xe cơ giới vẫn "thụt lùi" theo xu hướng chung của nửa đầu năm.
Chiếm tỷ trọng hơn 30% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ, tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tác động khá rõ nét đến tốc độ tăng trưởng doanh thu chung của toàn khối.
Theo các chuyên gia trong ngành, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm tốc của nghiệp vụ bảo hiểm từng được coi là nghiệp vụ quan trọng số 1 trong phát triển mảng bán lẻ này. Nguyên nhân khách quan là sự sụt giảm doanh thu bán ô tô trong năm 2017, trong khi nguyên nhân chủ quan vẫn là do sự cạnh tranh khốc liệt thông qua việc giảm phí của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 6.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng trưởng 13%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự chủ xe cơ giới đạt 1.684 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%, bồi thường 362 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 34% (đã bao gồm dự phòng bồi thường là 220 tỷ đồng); doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 4.916 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25%, bồi thường 2.769 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 70% (đã bao gồm dự phòng bồi thường là 681 tỷ đồng,)…
“Tuy 6 tháng đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm cơ giới đã giảm đáng kể. Cụ thể, 6 tháng 2016, bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu các nghiệp vụ với doanh thu 5.842 tỷ đồng, tăng trưởng 23,7%”, đại diện IAV cho hay.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn cho biết, dù tăng trưởng so với một số nghiệp vụ khác, nhưng vì phí bảo hiểm xe cơ giới chiếm một phần lớn trong tổng doanh thu phí của khối phi nhân thọ, nên tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới có tác động đến sự tăng trưởng chung của toàn thị trường.
“Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến đà tăng trưởng phí bảo hiểm xe cơ giới là năm 2017 thị trường xe cơ giới không tích cực, chưa kể giá trị xe cũng ước giảm 30-40% so với năm ngoái. Ddoongd thời, vì cạnh tranh nên tỷ lệ phí bảo hiểm của một số doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục giảm kịch sàn, xuống còn 1,2-1,3%/tổng giá trị xe... khiến nghiệp vụ này khó phát triển”, vị đại diện doanh nghiệp trên thừa nhận.
Cũng theo vị này, tình hình thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong phân khúc bảo hiểm xe cơ giới năm 2018 cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ tăng trưởng mạnh. Lượng xe bán ra có thể tăng hơn năm 2017, nhưng giá trị xe nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi, thậm chí có thể giảm, bên cạnh vấn đề cạnh tranh theo hướng giảm phí của không ít doanh nghiệp