Dưới đây là góc nhìn của luật sư Phan Thanh Bình về những bức xúc của hàng trăm vị cha mẹ học sinh (CMHS) có con đang theo học chương trình tiếng Anh tích hợp của Công ty Cổ phần Quản lý giáo dục và Đầu tư EMG (EMG).
Cha mẹ học sinh có quyền kiện ra tòa về chất lượng, phí dịch vụ
Vừa qua có hơn 700 vị CMHS ở các cấp tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) tại TP Hồ Chí Minh gửi đơn tới cơ quan chức năng, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh để phản ánh những bức xúc của mình về chương trình tiếng Anh tích hợp của EMG và đã được phản ánh qua bài viết “Kiến nghị dừng học online môn tiếng Anh tích hợp của EMG”.
Luật sư Phan Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Phan Thanh Bình (Đoàn Luật sự TP Hồ Chí Minh).
Những phản ánh của CMHS được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, tại khoản 4 điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định người tiêu dùng có quyền “Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
Chương trình tiếng Anh tích hợp được triển khai theo đề án được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt bằng quyết định 5695/QĐ-UBND ngày 20/11/2014. Về nguyên tắc, theo điều 1 của quyết định này, chương trình triển khai trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện của CMHS, có nghĩa phải có sự đồng thuận của CMHS mới được triển khai.
Ngay khi con vào học, CMHS phải làm cam kết theo học chương trình tích hợp và ý chí giữa CMHS - Nhà trường - EMG lúc này là cam kết trong trạng thái học bình thường (không có cam kết trực tuyến), nhưng hiện nay tình hình dịch bệnh đã thay đổi bản chất cam kết này, do đó có thể coi như hết hiệu lực. Vì vậy, để triển khai học trực tuyến, giữa CMHS - Nhà trường - EMG phải đối thoại để tìm ra phương án đồng thuận, không thể áp đặt, đưa phụ huynh vào thế đã rồi.
Về điều kiện tổ chức lớp học, tại điểm a, mục 6 phần V của quyết định 5695/QĐ-UBND ngày 20/11/2014, quy định: “Phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thực hành, thí nghiệm cho các lớp học tham gia chương trình theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo”. Nếu học trực tuyến, chắc chắn sẽ không đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất như quy định, do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giảng dạy. Khi học trực tuyến, ai đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất? Ai cam kết đường truyền internet ổn định? CMHS không đủ máy tính cho hai con cùng học một lúc thì sao?
Do đó, khi nhận thấy quyền lợi hợp pháp của con em mình bị xâm phạm, CMHS có quyền khởi kiện ra Tòa án. Vì CMHS là người trả tiền sử dụng dịch vụ của EMG, nhưng chất lượng dịch vụ của EMG không đảm bảo như cam kết và không tương xứng với phí dịch vụ họ bỏ ra.
Sao không đấu thầu để cạnh tranh, đưa chất lượng giảng dạy tốt hơn?
Tại điểm c, mục 6 phần V của quyết định 5695/QĐ-UBND nêu trên, quy định sĩ số học sinh không quá 30 học sinh/lớp. Đến nay, quyết định này vẫn còn hiệu lực, chưa bị điều chỉnh, nhưng thực tế sĩ số này đã vượt quá 30 học sinh/lớp. Không biết UBND TP Hồ chí Minh có biết, và chấp thuận việc này hay không?
Hãy tưởng tượng môn tích hợp tiếng Anh cần có sự tương tác nếu diễn ra ở một lớp khối 2 có 35 em, thời gian học khoảng 90 phút/buổi. Với với tâm hồn non nớt, cơ thể yếu ớt chưa điều khiển được ý nghĩ, hành vi của mình: Ngồi ngả nghiêng, ngáp ngắn ngáp dài, uống nước, đi vệ sinh liên tục, các cháu bé sẽ mặc nhiên để “Tiếng cô vang rừng núi. Sao không ai trả lời…”, cộng thêm lỗi kỹ thuật do máy, đường truyền mạng…, thì chất lượng giảng dạy sẽ như thế nào? Nếu ai đó cho rằng không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, chỉ là sự bao biện khó thuyết phục được CMHS.
Quyết định 5695/QĐ-UBND nên trên cũng quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam hiện tại và của Anh quốc. Nhưng EMG và Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh không có liên kết với Bộ Giáo dục Anh hay cơ quan khảo thí của nước Anh. Vậy ai đánh giá chất lượng giảng dạy của EMG tại các trường? Đánh giá đó được ai công nhận?
Chương trình tiếng Anh tích hợp triển khai từ năm 2014 đến nay đã gần 7 năm. Do đó, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể thuê một cơ quan độc lập đánh giá để kiểm định chất lượng giảng dạy, từ đó tổng kết hiệu quả của việc thực hiện chương trình này, nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình. Nếu chương trình hiệu quả, sẽ là mô hình tốt cho nền giáo dục Việt Nam, cần kiến nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng.
Ngược lại, chương trình tiếng Anh tích hợp của EMG không đạt chất lượng, thì Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cần tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ giảng dạy tốt hơn, chứ không thể ký hợp đồng hợp tác độc quyền với EMG, để EMG sử dụng và kinh doanh cơ sở vật chất của Nhà nước, trong đó có tiền đóng góp của CMHS.
Nhân văn, trung thực phải đặt lên hàng đầu trong giáo dục
Vì không đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, dẫn đến CMHS đã bị Sở GD&ĐT cùng EMG áp đặt giá, không cho thương lượng. Từ đó dẫn đến nhiều khả năng chất lượng giảng dạy không thể tương xứng với giá dịch vụ, gây bất lợi cho người tiêu dùng là CMHS.
Tại khoản 2 điều 21 Luật Giáo dục, quy định: “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì lợi nhuận”. Vì vậy tại sao không cho đấu thầu để loại bỏ việc độc quyền của EMG? Đấu thầu có tính cạnh tranh nhằm cho các đơn vị có năng lực trong giảng dạy, đào tạo… tham gia cung cấp dịch vụ này để nâng cao chất lượng, hạ giá thành dịch vụ. Điều này phù hợp với xu thế của sự phát triển.
Trong hoàn cảnh toàn TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Kể từ đầu mùa dịch lần thứ tư (27/4/2021) bùng phát, tại thành phố đã có hơn 349.500 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 10.000 trường hợp tử vong vì đại dịch này, hơn 1.500 học sinh các cấp có cha hoặc mẹ, hoặc cả cha mẹ mất vì Covid-19, hàng trăm nghìn CMHS bị mất việc, bị giảm thu nhập..., nhưng vẫn gắng gượng cho con mình tiếp tục học hành.
EMG là một tổ chức giáo dục, nơi mà tính nhân văn và sự trung thực cần phải đặt lên hàng đầu, cần có sự chia sẻ thiết thực với CMHS. Thế nhưng EMG đã không làm vậy, họ đánh tráo khái niệm khi cho rằng đã giảm học phí từ 10,8 triệu đồng, xuống 8,1 triệu đồng (1 đợt nộp tiền trong 3 đợt của năm học)!
Thực ra, ở đây EMG đã giảm chất lượng dịch vụ. Bởi lẽ, bình thường các cháu học sinh học 8 tiết/tuần, với giáo viên nước ngoài trực tiếp đứng lớp cùng 1 trợ giảng người Việt. Nhưng nay họ giảm xuống 6 tiết/tuần với giáo viên bản ngữ và 2 tiết trợ giảng người Việt, để từ đó cho rằng… đã giảm học phí.
Giảm phí phải là giảm giá bán, nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm, như: Kích cỡ, khối lượng, phương thức phục vụ, thời gian phục vụ… không thay đổi. Bên cạnh đó, EMG hầu như không cung cấp thông tin cơ bản của giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, như: Quốc tịch của giáo viên, trình độ, kinh nghiệm giảng dạy…, để tránh tâm lý nghi ngờ chất lượng giáo viên nước ngoài của phụ huynh. Nếu EMG thực hiện được nguyên tắc này, chắc rằng phụ huynh sẽ tin tưởng và gửi con mình cho EMG.
Thiết nghĩ, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh là đơn vị quản lý về mặt Nhà nước và chuyên môn, cần nhìn thẳng vào những bức xúc của CMHS để có giải pháp giải quyết triệt để các bức xúc của CMHS, đồng thời cần có quy định đối thoại giữa EMG với CMHS để cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo chất lượng, lành mạnh cho con trẻ.