Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi thao giảng chuyên đề bộ môn Toán cấp thành phố tại huyện Nhà Bè với nội dung: “Vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào dạy học các chủ đề môn Toán”.
Các thầy cô mạng lưới bộ môn toán bậc THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh
Mở đầu buổi hội thảo, thầy Nguyễn Duy Phúc, giáo viên mạng lưới của huyện báo cáo chuyên đề: “Vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào dạy học các chủ đề môn Toán” với nội dung và cách thức để chuyển các bài học trong sách giáo khoa toán thành bài học STEM, thầy cũng chia sẻ một số kinh nghiệm quý báu về phương pháp để giảng dạy các chủ đề này.
Thầy cô giáo và các em học sinh đang chú ý lắng nghe bài báo cáo của thầy Nguyễn Duy Phúc.
Kế đến, 40 học sinh lớp 8A7, dưới sự dẫn dắt của thầy Võ Thanh Việt – giáo viên trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã bước vào tiết dạy minh họa. Mục khởi động với video clip hình ảnh các cây xanh trên đường phố bị ngã rạp vì mưa bão khiến người xem xót xa. Một vấn đề được thầy Việt đặt ra là làm cách nào để cây xanh không bị ngã rạp khi có mưa to, gió lớn!? đã tạo sự tò mò, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh vào mục Khám phá với bài Tam giác đồng dạng, định lý Thales, định lý đường trung bình,…mà khi tìm hiểu thấu đáo học sinh mới có thể chế tạo được dụng cụ để chống đỡ cho cây xanh. Cứ thế, học sinh bị lôi cuốn vào các hoạt động mà hình thành và phát triển kiến thức cũng như năng lực theo đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Các em học sinh đang sinh hoạt theo nhóm để chế tạo sản phẩm
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên bộ môn Toán của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận định: “Chuyên đề và tiết dạy minh hoạ khá thiết thực, vì môn Toán có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện giáo dục STEM, do vậy với những bài lồng ghép kiến thức Toán hay tích hợp liên môn vào trong dạy học STEM sẽ giúp học sinh hứng thú vào tạo cơ hội phát triển cho học sinh về mọi mặt”.
Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách bộ môn toán của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh
Ngoài ra, buổi hội thảo còn có sự tham dự của TS. Huỳnh Ngọc Thanh, nguyên giảng viên trường CBQL GD TP Hồ Chí Minh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), một trong những người tiên phong trong nghiên cứu về giáo dục STEM, chủ biên và tác giả của nhiều bộ sách về giáo dục STEM dành cho học sinh Tiểu học và Trung học hiện nay. Nhận định về tiết dạy, TS. Huỳnh Ngọc Thanh cho biết: “Nội dung báo cáo chuyên đề có tính khoa học, thực tế, rõ ràng, mạch lạc, giúp thầy cô hiểu về giáo dục STEM sâu sắc hơn và có niềm tin có thể vận dụng vào các tiết dạy toán hằng ngày. Tiết dạy minh họa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn người học và cả người dự, giúp thầy cô giáo bộ môn toán ở TP Hồ Chí Minh định hình rõ hơn về cách tích hợp STEM trong các tiết dạy toán”.
TS. Huỳnh Ngọc Thanh
Thầy Đỗ Quang Vinh, giáo viên màng lưới bộ môn toán của TP Hồ Chí Minh bổ sung: “Nếu được, một số dụng cụ, nguyên vật liệu được sử dụng ngày hôm nay có thể khuyến khích thay thế bởi những dụng cụ, nguyên vật liệu rẻ tiền, dễ tìm thì hoạt động này sẽ có nhiều ý nghĩa hơn nữa. Bởi vì khi đó, học sinh ở tất cả các trường sẽ được tiếp cận giáo dục STEM mà không phải lo lắng vì không đủ tiền mua dụng cụ đắt tiền!”.
Thầy Đỗ Quang Vinh, ngồi bìa phải.
Kết thúc buổi hội thảo, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nhà Bè – ông Lê Thanh Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tiếp thu ý kiến và khẳng định: “Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh nói chung và huyện Nhà bè nói riêng sẽ luôn cố gắng thay đổi phương pháp dạy và học với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh phát triển toàn diện, phát huy những phẩm chất và năng lực của bản thân để có thể làm chủ và tiếp cận với những nguồn tri thức tiên tiến hiện đại góp phần vào việc xây dựng đất nước phồn vinh giàu mạnh”.
Ông Lê Thanh Hải, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nhà Bè.
TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Từ những đợt tập huấn, những buổi hội thảo, báo cáo chuyên đề đến triển khai ngày hội giáo dục STEM ở các quận huyện,… để đích đến cuối cùng là những tiết học giáo dục STEM kết nối giữa kiến thức trong sách vở với thực tiễn sinh động cho mọi học sinh ở thành phố, giúp các em hứng thú, say mê học tập vì thấy được ý nghĩa của việc học. |