Trước khi chương trình Sing My Song (Bài hát hay nhất) chính thức lên sóng, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về dàn huấn luyện viên với bốn cái tên “kỳ cựu” là Đức Trí, Lê Minh Sơn, Giáng Son và Nguyễn Hải Phong.
Tất nhiên, không phải nghi ngờ về chất lượng chuyên môn mà là thắc mắc về hiệu ứng sân khấu và khả năng tung hứng mà đội ngũ “cầm cân nảy mực” mang lại.
Nhưng sau 2 tập của Sing My Song, mọi định kiến về ban giám khảo đã được xóa bỏ. Không khoe nhẫn kim cương, không tô vẽ “quyền lực showbiz” bằng ê-kíp hùng hậu và hứa hẹn "trên trời dưới bể" 4 huấn luyện viên vẫn chứng tỏ được cá tính và sức hút của mình.
Giáng Son nữ tính, khắt khe trong gạt cần, Nguyễn Hải Phong hiện đại “dĩ hòa vi quý”, Đức Trí vừa hài hước vừa sâu sắc. Còn Lê Minh Sơn, vẫn "điên quái" như chính tính cách của anh ngoài đời.
Lê Minh Sơn là một trong bốn huấn luyện viên trong Sing My Song. Ảnh: BTC. |
Lê Minh Sơn chuyển bại thành thắng
Trong cuộc trò chuyện với người viết nhân dịp giới thiệu đêm nhạc có tựa đề Tiếng khóc kêu trong hũ cách đây không lâu, Lê Minh Sơn lần đầu tiết lộ về chuyện đã nhận lời làm huấn luyện viên trong Sing My Song nhưng thẳng thắn: “Tôi không có nhiều cảm xúc mỗi lần ngồi trên ghế nóng nhưng sẽ góp mặt trong chương trình mà mình cho là tốt nhất”.
Tác giả của Ôi quê tôi bảo anh thích làm những bệ phóng cho người trẻ và khi họ “đủ lông đủ cánh”, cũng là lúc nam nhạc sĩ đi tìm những bến bờ mới. Đó là lý do Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hoàng Quyên đều không góp mặt trong đêm nhạc của Lê Minh Sơn.
Anh quyết định mời hai giọng hát “mới toanh”, không ai hay biết cho chương trình riêng tại Nhà hát Lớn, trước khi chính thức bước vào quá trình chiêu mộ, cũng toàn người mới trong Sing My Song.
Mười mấy năm qua, Lê Minh Sơn đoạn tuyệt với tivi, mạng xã hội cũng không dùng, còn email thì anh bảo “để ở nhà”. Thế nên, nam nhạc sĩ không biết những chiêu trò trên ghế nóng, cũng gần như không có kinh nghiệm trong việc giành giật thí sinh.
Anh bước vào Sing My Song với tâm thế của một “gã dị hợm”, thiếu kinh nghiệm "giành giật" nhưng ưa sáng tạo, luôn tự nhận nhạc của mình thuần Việt.
Ngẫu nhiên, chính những yếu tố đó, khiến tác giả Chuồn chuồn ớt “lội ngược dòng”, chuyển bại thành thắng, từ một người vốn bị đồn đoán là sẽ lép vế bỗng trở thành huấn luyện viên ưu thế khi sở hữu hai thí sinh sáng giá là Lệ Thiện Hiếu và Phạm Trần Phương.
"Tôi đặc biệt ấn tượng về anh Sơn. Bản năng của anh Sơn rất mạnh, quyết liệt, đôi lúc khiến tôi còn phải nhún nhường” – chia sẻ được không ít người cho là khiêm tốn của Nguyễn Hải Phong trong cuộc họp báo giới thiệu Sing My Song, bất ngờ trở thành hiện thực sau khi Sing My Song phát sóng 2 tập đầu.
Lê Minh Sơn nổi tiếng với các sáng tác dân gian đương đại. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
“Gã nhạc sĩ nhà quê” nhưng có tài chiêu mộ
Công bằng mà nói, trong dàn huấn luyện viên Sing My Song mùa đầu tiên, Lê Minh Sơn và Giáng Son không phải là hai nhân vật "có máu mặt” trong làng giải trí miền Nam.
Cả hai đều không có ê-kíp hùng hậu, cũng không có quá nhiều hit được khán giả phổ thông, đặc biệt là người trẻ biết đến. Âm nhạc của Lê Minh Sơn, với chất liệu đặc sệt dân gian thậm chí còn bị coi là khó hiểu, kén người nghe, "làm nhạc cho một mình mình hiểu".
Nhưng, tác giả của Cặp ba lá lại chứng tỏ như một người hoạt ngôn và đi đến cùng trong việc chọn lựa. Những lời chiêu mộ kiểu như “Nếu bạn về với tôi, tôi sẽ đưa bạn ra thế giới” hay “Tôi nghĩ ca khúc có thể ngắn hơn mà vẫn sâu, chỉ cần 3 dòng, không cần nhiều” – nghe có vẻ màu mè, bóng bẩy nhưng khi người phát ngôn là Lê Minh Sơn, chúng chắc nịch và đánh thẳng vào tâm lý của thí sinh.
Chàng trai chuyển giới Lê Thiện Hiếu mang đến Ông bà anh – một ca khúc thuộc thể loại reggae – nơi có những nghệ sĩ sở hữu mái tóc dreadlock tết hình rễ cây và trang phục ba màu chủ đạo, chắc chắn không có lựa chọn nào thích hợp hơn Lê Minh Sơn, một gã cũng quê mùa, tóc dài và những bộ trang phục đúng kiểu “bên bờ ao nhà mình”.
Trong khi, Phạm Trần Phương với ca khúc đậm chất dân gian như 0:00 (Không giờ), hiển nhiên sẽ thích hợp với một nhạc sĩ dân gian đương đại như Lê Minh Sơn, ngay cả khi nam thí sinh nhớ nhầm một ca khúc khác thành sáng tác của huấn luyện viên mà mình lựa chọn.
Đó là còn chưa kể đến việc Trần Phương sở hữu một giọng hát phi giới tính, ưa phá cách. Chất "quái” ấy sẽ là không an toàn nếu chọn về nhạc sĩ nữ tính như Giáng Son, hiện đại như Nguyễn Hải Phong hay nồng nàn và trữ tình như Đức Trí.
Lê Minh Sơn chiêu mộ được Phạm Trần Phương trong tập 2. Ảnh: BTC. |
Tất nhiên, "đường dài mới biết ngựa hay" nhưng với việc sở hữu hai thí sinh được cho là nổi bật trong 2 tập đầu của chương trình, Lê Minh Sơn đang có cơ hội trở thành huấn luyện viên sở hữu “Bài hát hay nhất”.
Một người đề cao tính dân tộc và chuộng “cái điên” trong nghệ thuật hoàn toàn có thể làm nên chuyện, ngay cả khi huấn luyện viên khác sở hữu những "ngựa chiến" quen mặt như Ưng Đại Vệ, Đào Bá Lộc, Vicky Nhung.
Và đúng như Lê Thiện Hiếu giãi bày: “Thực sự anh Sơn không phải người đồng bóng. Lý do tôi về đội Lê Minh Sơn là vì mình muốn khám phá thêm nhiều những góc cạnh mới của bản thân. Anh ấy là người có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, tiếp xúc với anh mình học hỏi được rất nhiều điều, đặc biệt là tư duy về âm nhạc”.
Tư duy âm nhạc của Lê Minh Sơn, cùng với mái tóc dài ngang ngửa với huấn luyện viên Lưu Hoan trong Sing My Song phiên bản Trung Quốc, biết đâu "gã nhạc sĩ nhà quê" lại sở hữu vị trí tương tự nam đồng nghiệp nước ngoài.