Sáng nay (3/1), tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý IV, 2019 thông tin về các hoạt động của ngành trong thời gian qua. Trong đó bộ phim "Ròm" gây xôn xao thời gian qua đã được cấp phép trở lại.
Tại họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến việc thoái vốn cổ phần hoá ở Hãng phim truyện Việt Nam; kết quả xử lý bộ phim “Ròm”; phương án bảo vệ “chủ quyền” cho tà áo dài Việt... đã làm “nóng” cuộc họp.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL chủ trì buổi họp báo - Ảnh Minh Khánh/PLO |
Liên quan đến chuyện bộ phim “Ròm” sau khi bị xử phạt vì chưa được cấp phép phát hành và phổ biến đã đưa đi dự LHP Quốc tế Busan (Hàn Quốc) đã được cấp phép trở lại và đã tiêu huỷ “tang vật” như quyết định xử phạt, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhà sản xuất phim “Ròm” đã gửi bản phim có chỉnh sửa để xin được cấp phép phổ biến theo đúng quy trình. Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định phim đang trong quá trình xem xét.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, việc báo chí lên tiếng mạnh mẽ về những sai phạm của nhà sản xuất phim “Ròm” cũng sẽ góp phần tạo áp lực, cảnh tỉnh đối với nhà sản xuất… cần có định hướng, hành động đúng đắn, tuân thủ luật pháp.
“Trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, Bộ VHTT&DL sẽ tham mưu để có những quy định xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật như trường hợp phim “Ròm”...”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về tình hình thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, vì Hãng phim truyện Việt Nam đã cổ phần hóa, hoạt động theo luật doanh nghiệp và các quy định của Bộ Tài chính. Vì thế, nếu báo chí muốn biết thông tin phải hỏi Hãng phim truyện Việt Nam.
“Hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ hãng phim. Liên quan đến vụ việc hãng phim, Bộ đã nhận văn bản chỉ đạo của phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Chúng tôi đang làm rồi. Ai quan tâm đến văn bản này, sau cuộc họp lên phòng tôi cho xem văn bản, chúng tôi không thể công bố nội dung văn bản tại đây”, ông Bình nói.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ VHTT-DL đã bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2019.
Theo đó 15 sự kiện được đề cử gồm:
- Công dân 8 nước được gia hạn miễn thị thực trong vòng 3 năm
- Du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019
- Điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và châu lục
- Đoàn Thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30)
- Luật Thư viện - Động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc
- Phát động chương trình Toàn dân tập luyện môn Bơi và phòng chống đuối nước 2019 trên toàn quốc, thu hút 12 triệu người tham gia
- Sự trở lại của “Hồ Thiên Nga” mang dấu ấn nghệ sĩ Việt sau 35 năm
- Sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội của chiến dịch “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường - chống rác thải nhựa” năm 2019
- Thành tích ấn tượng của môn bóng đá trên đấu trường khu vực
- Thành tích ấn tượng của Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng
- Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Tôn vinh 100 năm Nghệ thuật Sân khấu Cải lương
- Việt Nam chính thức là nước thứ 22 trên thế giới đăng cai Giải đua xe công thức 1 (F1)
- Việt Nam chủ trì thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019
- Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF 2019
Trước khi diễn ra cuộc lấy ý kiến và phiếu bình chọn của các nhà báo, Bộ VHTT -DL đã mở cuộc bình chọn từ ngày 2.1.2020 trên cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL, Báo Văn Hóa, Báo Điện tử Tổ quốc, Báo Du lịch, Báo Thể thao.
Sau khi có kết quả tổng hợp từ các cuộc bình chọn trên website và cuộc bình chọn trực tiếp của các nhà báo, Bộ VHTTDL công bố chính thức 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2019 trong thời gian tới.