Thứ 6, 06/12/2024, 06:31 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Đừng để học sinh chịu áp lực

Đừng để học sinh chịu áp lực
(Tieudung.vn) - Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố dự thảo Thông tư tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. So với thông tin trước đó, dự thảo bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 tại kỳ thi vào lớp 10; đồng thời trao quyền quyết định cho địa phương.

Khi dự thảo Thông tư tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được Bộ GD&ĐT đưa ra xin ý kiến rộng rãi, cụm từ “bốc thăm môn thi thứ 3” không xuất hiện.

Những tưởng, lo lắng của phụ huynh, học sinh đã vơi bớt nhưng nỗi hoang mang vẫn còn, thậm chí còn tăng cấp độ. Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định, việc tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức theo một trong 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Với phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục THCS của đối tượng tuyển sinh. Với phương thức thi tuyển, số môn thi là 3 môn, gồm toán, văn và một môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp.

Các Sở GD&ĐT được chọn một trong 2 phương án. Nếu chọn môn thứ 3, môn này phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số và có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Nếu chọn bài thi tổ hợp, các môn học được lựa chọn phải nằm trong số các môn có đánh giá bằng điểm số.

Như vậy, phương thức tuyển sinh THPT theo dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT còn khó hơn thông tin trước đó. Bởi nếu bốc thăm môn thứ 3 thì sẽ là một trong các môn đánh giá bằng điểm số trong chương trình lớp 9; còn chọn môn thi thứ 3 nhưng phải thay đổi theo từng năm thì áp lực lên học sinh vẫn không khác. Hơn nữa, phương án môn thi thứ 3 là bài thi tổ hợp (không phải môn tích hợp) còn nặng hơn vì có thể không chỉ là môn tích hợp khoa học tự nhiên hay lịch sử - địa lý trong chương trình mà là tổ hợp của các môn học còn lại.

Chưa hết, điều mấu chốt tại dự thảo Thông tư này là quy định của Bộ GD&ĐT về việc Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT sẽ lựa chọn môn thi thứ 3 và công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Như vậy, dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT chỉ quy định phần cứng số lượng môn thi là 3; còn lại môn thứ 3 là môn gì thì tùy Sở GD&ĐT địa phương cân nhắc lựa chọn. Không ít ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT “đá bóng” trách nhiệm về cho các sở GD&ĐT. Điều này dẫn đến việc, mỗi địa phương sẽ đưa ra lựa chọn khác nhau; vô hình trung, lại tiếp tục tạo sự xáo trộn, không thống nhất trong kỳ thi lớp 10.

Đối tượng quan tâm nhất đến môn thi thứ 3 tính đến thời điểm hiện tại không ai khác là học sinh đang học lớp 9 – lứa đầu tiên sẽ thi lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nói về nguyện vọng, hầu hết giáo viên, phụ huynh, học sinh đều mong muốn thi 3 môn cố định là Toán, Văn, tiếng Anh trong kỳ thi lớp 10; nếu không, môn thứ 3 phải được công bố ngay từ đầu năm học.

Nhiều quan điểm cho rằng, việc cố định môn thứ 3 dễ dẫn đến học lệch, học tủ; nhưng đây lại được xem là cú hích để đẩy mạnh phong trào “học thật, thi thật, nhân tài thật” trong nhà trường. Khi các môn học trong chương trình được dạy và học nghiêm túc, quá trình kiểm tra đánh giá được triển khai thực chất thì không lo ngại tình trạng học sinh không thi sẽ không học.

Thiết nghĩ, Thông tư tuyển sinh THPT không chỉ quy định rõ kỳ thi lớp 10 gồm 3 môn mà còn nêu rõ tên từng môn để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Điều này vừa tránh các cuộc tranh luận không đáng có hoặc mỗi địa phương thi một kiểu, vừa bảo đảm nguyên tắc cốt lõi, đó là gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho học sinh, gia đình và .

Tags:
4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
0.88700 sec| 778.383 kb