Đạo diễn Trần Quốc Sơn đang chỉ đạo cảnh quay bộ phim Đất mặn. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Những thiệt hại nặng nề từ biến đổi khí hậu
Đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết, khi thực hiện bộ phim ông nhớ đến vùng đất Tây Nam bộ, với câu ca “Ai ơi về miệt Tháp Mười/ Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn ...”.
Tuy nhiên, bắt đầu ghi hình những cảnh quay đầu tiên đã khiến chúng tôi thực sự sốc. Chúng tôi phải chấp nhận một sự thật rằng tất cả những ưu đãi ấy chỉ còn tồn tại trong ca dao thời mở đất. Khí hậu ngày càng đỏng đảnh, khắc nghiệt dù người nơi này vẫn mặn mòi thủy chung với đất. Mà một khi nước không còn ngọt thì đất lành tất phải trở thành đất mặn. Đạo diễn Trần Quốc Sơn nhận xét.
Ông Sơn cho biết, một người dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã bộc bạch với đoàn làm phim rằng: “Chúng tôi đã sinh sống ở đây qua nhiều đời, chứng kiến tốc độ lở đất mỗi năm lên đến 40 – 60 m, chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng vì nhà cửa, tài sản tích cóp bao năm đã bị “hà bá” cuốn trôi, tuyến đường chính bị sạt lở nghiêm trọng khiến việc lưu thông người dân gặp rất nhiều khó khăn".
Không chỉ ở Kiên Giang, biển Bến Tre cũng không còn thân thiện với con người. Tài sản mà người dân gom góp đổ xuống đây đều chung số phận theo đúng nghĩa “trôi sông bỏ biển”.
Bà Nguyễn Thị Trường, một người dân ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, năm nay khổ dữ rồi. Vì nguồn nước quá mặn, nông dân không biết môi trường như thế nào, đa số người nuôi hàu trắng tay.
Cũng theo đạo diễn Trần Quốc Sơn, ngay cả mùa lũ ở Tây Nam bộ được ví như mùa mang phù sa về cho vùng đất này, trước đây là dấu hiệu để người miền Tây chuẩn bị lọp, lưới, lú, dớn... cho cuộc mưu sinh.
Thế nhưng đã mấy năm liên tiếp mùa nước nổi lỗi hẹn với con người khi nước không chịu lên đúng kỳ, hoặc chỉ lên lấp xấp. Nước không về thì chẳng những cá tôm không theo về mà ruộng đồng cũng không có nguồn thau chua rửa mặn, bồi bổ phù sa. Chén cơm người miền Tây đang dần thưa vắng những sản vật mà thiên nhiên bao đời vẫn hào phóng tặng họ.
“Không đủ nước ngọt thì tất nhiên không thể đẩy được nước mặn xâm nhập từ các cửa sông. Mùa khô năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Tây. Chính quyền địa phương đã phải chi hỗ trợ hạn mặn cho người dân. Đáng tiếc là đã xảy ra những khuất tất khiến cho nạn nhân của thiên tai còn đồng thời là nạn nhân của thói nhũng nhiễu. Thiệt hại kép này khiến họ bức xúc khiếu kiện. ”- đạo diễn phim “Đất mặn” chia sẻ.
Bà Huỳnh Hoàng Quân, một người dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết, Không phải riêng cây lúa mà cây dừa và cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng mặn rất nhiều dẫn đến năng suất giảm, chất lượng không cao, giá cả sụt giảm 60%, Cỏ cho bò ăn tưới không lên – rải phân không phát luôn.
Đồng lúa cháy úa vì nhiễm mặn. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
“Đất mặn” là thông điệp mạnh mẽ về thích ứng với biến đổi khí hậu
Đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết, “Đất mặn” không phải là bộ phim thương mại của Hãng phim Truyền hình TP HCM, mà mong muốn đưa đến một cảnh báo, một thông điệp về mặt chính sách để “cứu” vùng đất màu mỡ Tây Nam bộ, vựa lúa của cả nước.
GS – TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ chi biết: “Mặn bớt xâm nhập một phần là do lưựng nước mưa được giữ lại trên thượng nguồn từ Myanma tới Trung Quốc … và cả phía Tây Trường Sơn mình nữa. Rừng trên thượng nguồn đó không còn bao nhiêu?”
Phó GS – Ts Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ cho biết: “Có 2 lý do: 1 là do hiện tượng elnino, 2 là do những hoạt động con người làm cho tình trạng nặng nề thêm. Việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, Song song đó là do việc phát triển đê bao 3 vụ …Việc rút nước ngầm làm mặt đất lún xuống …Lún nhanh hơn nước biển dâng lên làm mặn xâm nhập sâu hơn. Cống đập Ba Lai là một trong cụm giải pháp công trình nhưng vẫn chưa làm được nhiệm vụ ngăn mặn…”
“Trước mắt là giải pháp phi công trình là chọn các giống lúa chống chịu được các điều kiện phát phèn mặn và khô hạn”- theo PGS -TS Nguyễn Ngọc Đệ, phó trưởng khoa nông nghiệp ĐH Cần Thơ.
Vấn đề mà “Đất mặn” đặt ra là: con người cần biết ứng xử khôn ngoan hơn với thiên nhiên, thì đất dù mặn vẫn là đất để ăn đời ở kiếp như bao đời qua vẫn thế...