Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt phải tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng SGK phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh.
Báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; Không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Bộ Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các Phòng Giáo dục quán triệt đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; Không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền.
Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác để ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn.
Không lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua.
Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng SGK, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.