Theo y học cổ truyền, cá lóc vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, gân xương, trừ đàm (dùng tốt cho những trường hợp bị các bệnh phổi), chữa phụ nữ ít sữa, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì dễ hấp thu. Theo ẩm thực dưỡng sinh, cá lóc cho tác dụng cao nhất vào mùa hạ để trừ thấp nhiệt do mùa này sinh ra.
Cá lóc nấu canh cải chữa chứng ho đàm
Cá lóc 1 con làm sạch luộc hoặc nướng lấy thịt 100g, rau cải canh 150g, gừng một củ 30g nướng chín đập dập, tiêu sọ 5g xay nhỏ, gia vị mắm muối vừa đủ nấu canh ăn tuần vài lần. Ngoài ra, cá lóc nấu với rau tần ô, rau cải bẹ trắng, cải rổ, rau má đều tốt.
An thần, sinh tân nhuận phế, kiện tỳ, dưỡng trí
Bài này dùng phòng chữa mắt thâm quầng, mất ngủ, huyết áp cao chóng mặt, nhức đầu: Cá lóc 1 con (500 g), táo đỏ 10 quả, táo tây (vỏ đỏ) 2 quả gừng tươi 2 lát, gia vị, dầu thực vật. Cá rán với gừng cho thơm. Táo tây gọt bỏ vỏ, hạt; thái miếng nhỏ. Táo đỏ bỏ hạt. Nấu bằng nồi đất. Nấu nước sôi rồi cho tất cả vào, tiếp đến là táo. Nước phải ngập các thứ trên. Đậy kín, nấu 2 tiếng. Cho gia vị, ăn nóng.
Canh cá lóc rau cần chữa đau đầu chóng mặt huyết áp cao
Cá lóc làm sạch luộc lấy thịt 100g, rau cần ta 150g gia vị gừng, hành tiêu mắm muối nấu canh ăn tuần vài lần. Đây là món canh ngon bổ âm dưỡng huyết, thanh hỏa... Sử dụng rất tốt với người có bệnh huyết áp cao đau đầu chóng mặt ù tai khó ngủ. Ngoài ra, cá lóc nấu với hoa lý, rau đắng ăn đều tốt.
Bổ não an thần, ích khí bổ huyết
Đầu cá lóc 1 cái (300 g), xuyên khung 12 g, hà thủ ô chế 15 g, hoàng kỳ 30 g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi vài lát. Đầu cá bỏ mang, táo bỏ hạt, nước vừa đủ. Tất cả cho vào nồi nấu với lửa to. Khi sôi nấu 2 tiếng với lửa nhỏ, thêm gia vị. Thường dùng cho trường hợp cao tuổi lú lẫn, kém trí nhớ, phản ứng chậm, mắt tai kém, sức yếu, mệt mỏi, kém ăn.