Loại thuốc đặc trị ung thư mà Việt Nam nhận viện trợ bắt buộc phải hủy vì hết hạn dùng…hiện chưa ai chịu trách nhiệm! |
Trả lời báo chí, đại diện Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã cho rằng quá trình làm thủ tục nhập lô thuốc này về Việt Nam, các thủ tục cấp phép phức tạp, kéo dài mất 1 năm mới nhập được thuốc về dẫn đến thuốc hết hạn.
Đại diên bệnh viện này cho biết, ngày 27/4/2014, số thuốc về tới cảng Tân Sơn Nhất, nhưng Chi cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý cho bệnh viện nhận thuốc với lý do hạn sử dụng của thuốc dưới 12 tháng. Sau nhiều lần kiến nghị lên Sở Y tế, Bộ Y tế và Cục Hải quan, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện mới được nhận thuốc.
Chiều 5/5, Tổng cục Hải quan đã phát đi thông báo phủ nhận trước việc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng do vướng mắc thủ tục nhận thuốc đặc trị ung thư dẫn đến hết hạn sử dụng.
Theo đó, ngày 15/7/2013, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. Hồ Chí Minh nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân. Nhưng mất 1 năm sau, ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược mới đồng ý để Bệnh viện huyết học truyền máu tiếp nhận lô hàng. Ngày 23/7/2014 lô hàng mới cập cảng Việt Nam, khi ấy hạn dùng còn lại không đủ 12 tháng (sản xuất từ tháng 6/2013).
"Quả bóng" trách nhiệm đang được các đơn vị liên quan truyền cho nhau! |
8 ngày sau, ngày 1/8/2014, Bệnh viện truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh có công văn gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo.
Ngày 6/8/2014, Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL- VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM, cơ quan hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho lô hàng này. Cả 2 tờ khai đều đã được thông quan ngày 7/8/2014.
Tổng cục Hải quan khẳng định: Việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục.
“Vì lý do nhân đạo, cơ quan Hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng 1 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan; cơ quan hải quan đã thực hiện theo quy định và ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Quản lý dược – Bộ Y tế) về thời hạn còn lại của thuốc khi đến cảng Việt Nam”, Tổng cục Hải quan cho hay.
Theo thông tin của Tổng cục Hải quan nói trên, dư luận rất băn khoăn, tại sao ngày 15/7/2013, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. Hồ Chí Minh nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân mà phải mất 1 năm sau (ngày 14/7/2014), Cục Quản lý dược mới đồng ý để Bệnh viện huyết học truyền máu tiếp nhận lô hàng?
Không lẽ, 20.000 liều thuốc đặc trị ung thư có giá 14 tỷ đồng bị tiêu hủy vì lý do chậm trễ thủ tục tiếp nhận, trong khi hàng ngàn bệnh nhân ung thư đang thiếu thuốc trị bệnh mà không có người chịu trách nhiệm sao?
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, qua kiểm tra việc xuất sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại khoa Dược, đến ngày 31/12/2015, kho thuốc của BV Truyền máu huyết học TP.HCM còn tồn kho 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá là gần 14 tỷ đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên). Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án bằng thuốc điều trị bệnh Bạch cầu mãn dòng tủy (CML). Gần 20.000 viên thuốc có giá trị gần 14 tỷ đồng để hết hạn sử dụng là một sự lãng phí đối với bệnh nhân bị bệnh Bạch cầu tủy mạn, bởi họ phải dùng 3-4 viên/ngày, mỗi viên thuốc có giá hơn 700.000 đồng. Nếu không nằm trong chương trình miễn phí hoặc không có bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân sẽ phải trả tiền thuốc từ 2-3 triệu/ngày. |