Vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sát nhập 3 Quận (gồm Quận 2, 9 và Thủ Đức).
Xuất phát từ Đề án “Chính quyền đô thị” được UBND TP Hồ Chí Minh bắt tay xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên phải đến tháng 9/2013 HĐND TP này mới chính thức thông qua “dự thảo”. Theo mô hình lúc này thì Chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa là chính quyền trực thuộc Trung ương và cũng là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Trong khi đó các quận, huyện được chia làm 4 thành phố, gồm: Thành phố Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức), Thành phố Tây (quận Bình Tân, một phần quận 8, một phần huyện Bình Chánh), Thành phố Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, một phần quận 8), Thành phố Bắc (quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn). Đến tháng 10/2019, đề án được điều chỉnh chỉ còn duy nhất một Thành phố phía Đông như hướng nghiên cứu và đề xuất hiện nay thay vì 4 thành phố vệ tinh ban đầu.
Có thể thấy, với thời gian rất dài kiên trì nghiên cứu và theo đuổi với nhiều nhiệm kỳ nhân sự quản lý chính quyền khác nhau thì có thể nói đây là đề án được chính quyền Thành phố đặt rất nhiều tâm huyết với sự kỳ vọng sẽ mang tính đột phá và đầu cầu kích thích phát triển kinh tế của Thành phố nói riêng và của các địa phương trong khu vực nói chung như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu; đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời đại 4.0 cũng như giải quyết được bài toán căn cơ về phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, đề án này hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội.
PV báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngô Trung (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) xoay quanh các vấn đề liên quan đề án lần này.
Nhiều quan điểm cho rằng việc thành lập “thành phố trực thuộc thành phố” là chưa có tiền lệ và không có cơ sở pháp lý, không thuyết phục … Theo quan điểm luật sư thì vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, với đề xuất thành lập “thành phố thuộc thành phố” như trên mặc dù chưa có tiền lệ; tuy nhiên cơ sở pháp lý đã có, và mô hình này đã được dự liệu cũng như đã đề cập qua các văn bản pháp luật trong thời gian gần đây. Trước hết phải kể đến Hiến Pháp năm 2013, cụ thể là tại Điều 110 đã có phần mở rộng hơn so với bản Hiến Pháp 1992 với nội dung “thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương”. Tiếp đến là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đề cập “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” tại Điều 2 quy định về “Các đơn vị hành chính” của nước ta; và từ Điều 51 đến Điều 73 của Luật này liên tục đề cập về đơn vị hành chính trên. Do đó, về mặt pháp lý thì đơn vị hành chính này đã được dự liệu và luật hóa trong các văn bản pháp luật nên việc đề xuất để thành lập “thành phố thuộc thành phố” là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Luật sư, để đề án này được triển khai hiện nay cần phải quan tâm và tính đến những vấn đề cơ bản gì?
Để triển khai đề án này, ngoài những chủ trương, định hướng và lộ trình đã được thành phố đưa ra trong thời gian qua, thì các vấn đề về pháp lý, nhân sự và quy hoạch hạ tầng kết nối phải được chuẩn bị kỹ và quan tâm đúng mức hơn.
Trước hết là về mặt thủ tục và quy trình pháp lý. Mặc dù đơn vị hành chính “thành phố thuộc thành phố” đã được đề cập và “mở đường” tại Hiến Pháp và Luật nêu trên, tuy nhiên các quy định và hướng dẫn để triển khai như thế nào lại chưa được cụ thể hóa một cách rõ ràng. Nhất là trong trường hợp này, thành phố phía Đông lại được sáp nhập từ 3 Quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức), nghĩa là dẫn đến việc từ đô thị loại cao xuống đô thị loại thấp hơn, điều này thực sự chưa có tiền lệ nên cần có sự phối hợp của các bộ ngành liên quan nhằm thống nhất quy trình thực hiện để thành phố triển khai.
Thứ hai là về việc chuẩn bị nhân sự để vận hành. Việc gộp 3 Quận thành một thành phố (tương đương cấp Quận/Huyện) sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nhân sự hiện hữu vì phải đáp ứng chủ trương về tinh giảm theo Nghị quyết số 37-NQ/TW. Có lẽ xuất phát từ vấn đề này, nên cơ cấu bộ máy hành chính và cách thức quản lý vận hành sau khi sát nhập dường như được quan tâm và bàn luận khá nhiều. Trong khi đó, một vấn đề mang tính cốt yếu không kém là tiêu chí về nhân sự để quản lý, vận hành bộ máy này vẫn chưa được đề cập hoặc có sự chuẩn bị và quan tâm đúng mức. Nếu nhân sự không phù hợp, hoặc không bắt kịp yêu cầu về tư duy tích cực thì dễ dẫn đến việc cơ cấu tổ chức, quản lý, vận hành chỉ thay đổi về hình thức, còn nội dung thì vẫn như trước đây.
Thứ ba là liên quan đến hạ tầng kết nối. Theo đề án và kết quả của cuộc thi về "Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP” thì thành phố phía Đông sẽ được thành lập trên cơ sở hiện hữu như Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), nhưng cần lưu ý đến một vấn đề quan trọng không kém và hạ tầng kết nối các cụm này phải đảm bảo được triển khai đồng bộ. Gần đây, chúng ta đã chứng kiến 1 số dự án sau khi hoàn tất xây dựng và nghiệm thu nhưng không thể vận hành do thiếu hạ tầng kết nối mà cụ thể như giao thông, hệ thống phục vụ …; trong khi đó, hiệu quả của thành phố phía đông là do nhiều cụm công trình riêng lẻ cùng tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau.
Ngoài các vấn đề cần chuẩn bị trên, trường hợp đề án được thông qua và cho phép triển khai thì còn yếu tố nào có khả năng là trở ngại và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện?
Thông thường, khi một dự án được cho phép triển khai, bên cạnh yếu tố về quản lý thì nguồn vốn và tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng mang tính quyết định đến hiệu quả của đề án này. Mặc dù hiện nay Thành phố đang được lợi thế để tạo nguồn thu và thu hút đầu tư từ Nghị quyết 54 về cơ chế và chính sách đặc thù, tuy nhiên với tính chất là một đại công trình này thì rõ ràng cần nguồn vốn huy động rất lớn; đồng thời tiến độ giải ngân phải đáp ứng kịp thời nhu cầu trải đều trên tổng thể dự án này. Nhiều năm qua, rất nhiều dự án của thành phố đều gặp phải khó khăn về vấn đề giải ngân để rồi kéo dài cho đến hiện nay và không đạt được mốc thời gian hoàn thành như dự kiến, chẳng hạn như dự án về chống ngập, dự án tuyến Metro … Và khi dự án bị kéo dài, hiệu quả đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể trường hợp nguồn vốn để thực hiện có được từ những khoản vay và khoản lãi phát sinh sẽ trở thành gánh nặng trong khi dự án thì chưa thể hoàn thành.
Ngoài ra, một vấn đề nữa có thể xem là nguy cơ gây trở ngại trong quá trình triển khai là liên quan đến việc đền bù, giải tỏa cho người dân bị ảnh hưởng. Khi đề án được thông qua, chắc chắn các giá trị về đất đai, kinh tế sẽ được nâng lên và đôi khi sẽ bị thổi phồng, đến khi chính quyền thực hiện công tác đền bù, giải tỏa thì phát sinh việc xung đột lợi ích với người dân vì nhiều lý do, để rồi dẫn đến tranh chấp và kiện tụng làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện chung. Trong khi hiện nay, các khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp liên quan lĩnh vực hành chính và đất đai luôn là mảng khó giải quyết và kéo dài. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế chính sách nhất quán - đặc thù, khung pháp lý minh bạch đảm bảo hài hòa lợi ích và sự am hiểu của người dân về các vấn đề này; đồng thời ngăn chặn và hạn chế nguy cơ từ việc lợi dụng chính sách để đầu cơ hoặc trục lợi.
Xin cảm ơn Luật sư!