Vị thế ấy cũng kèm theo nhiều áp lực và sự kỳ vọng lớn của người dân TP mang tên Bác nói riêng và cả nước nói chung. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, TP Hồ Chí Minh đã lấy mục tiêu phát triển đô thị sáng tạo (ĐTST) làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.
Giữ vị thế đầu tàu
Khép lại năm 2018, tuy trải qua nhiều khó khăn, thách thức kể trên nhưng kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2017, cơ cấu kinh tế TP tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,2%; khách quốc tế đến thành phố đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,1%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,07 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ), đạt cao nhất cả nước…
Vị thế đầu tàu kinh tế của TP Hồ Chí Minh. |
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8%. Trong lĩnh vực du lịch, tổng lượng khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,38% so với năm 2017; tổng doanh thu ngành đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 21,55%.
Nhìn nhận lại kết quả trên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP đã bám sát và cụ thể hóa thành chương trình, nội dung hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, nền kinh tế của TP đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động mạnh mẽ đến kinh tế cả nước cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực vừa là thời cơ, cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến các DN xuất khẩu và nhập khẩu của TP.
Trên cơ sở đó, TP sẽ đẩy mạnh truyền thông để các DN nắm bắt thông tin và hiểu sâu hơn, vận dụng vào quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục vụ mục tiêu phát triển TP.
Bước sang những tháng đầu năm 2019, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều khởi sắc đáng kể. Theo đó, nhiều chỉ số phát triển kinh tế đều tăng trưởng tốt.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 324.497 tỷ đồng, tăng 7,64% (tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 285.088 tỷ đồng, tăng 12,9%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 8,98 tỷ USD, tăng 5,7%.
Về đầu tư trong nước, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 214.992 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các DN trong nước, TP thu hút được 1,55 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ...
Khu đô thị phía Đông TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo dẫn dắt sự phát triển của cả TP trong thời kỳ phát triển mới. |
Đột phá cải cách hành chính bằng công nghệ
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, việc phát triển ĐTST không chỉ là tham vọng, mà còn là kế hoạch cần triển khai ngay nhằm tạo ra đòn bẩy kinh tế vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của DN cũng như việc thực thi các công cụ tài chính khác của Nhà nước. Một nền tài chính phát triển khỏe mạnh, một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao không chỉ mang lại sự tăng trưởng cho các DN mà còn thúc đẩy kế hoạch xây dựng ĐTST.
TP Hồ Chí Minh chọn năm 2019 là năm đột phá cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3 - 8,5%, thu ngân sách đạt 100% dự toán trên 399.000 tỷ đồng. Đây cũng là mục tiêu nằm trong 7 Chương trình đột phá, gắn với cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Để đạt được các mục tiêu này, TP tập trung đầu tư 3 lĩnh vực then chốt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên cho các dự án cấp thiết nhất như: Đưa công nghệ vào cải cách thủ tục hành chính, chống ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, xây nhà ở cho người dân…
Một TP chỉ thực sự thông minh, sáng tạo khi hội tụ cùng lúc 6 tiêu chí:Quản lý điều hành thông minh, nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tập trung vào ứng dụng công nghệ mới, xây dựng chính quyền điện tử các cấp và triển khai nhiều khía cạnh như: Lắp đặt camera hỗ trợ an ninh và giao thông; Thử nghiệm sử dụng thẻ thay vì bán vé xe buýt truyền thống; Lắp đặt wifi miễn phí ở một số điểm du lịch, những tuyến phố chính và khu tập trung đông dân cư…
|
|
Tam giác tăng trưởng
Theo kiến trúc sư Đặng Trung Sơn (Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Thuận Phát), khi xây dựng ĐTST, người dân đều mong muốn sẽ thành công và đem lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên không thể không tính đến phương án thất bại hoặc kém hiệu quả.
Do vậy, việc triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ hơn, cả trước mắt lẫn lâu dài. Đặc biệt là các giải pháp công nghệ cho các dự án thành phần cũng như cơ chế quản lý, vận hành về mặt pháp lý và sử dụng tối ưu nguồn tài chính.
ĐTST hướng đến phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, có tác động toàn diện tới hệ thống chính trị, DN và Nhân dân. Đây là chiến lược phát triển đô thị có quy mô lớn với nhiều dự án thành phần, giải pháp kỹ thuật công nghệ, cơ chế quản lý, vận hành và sử dụng các nguồn tài chính khác nhau.
Ông Sơn cho biết thêm, chiến lược ĐTST thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào tam giác tăng trưởng: Con người, tài chính và công nghệ. Nói cách khác, ĐTST không thể thiếu sự tham gia của 3 nhân tố: Nhà nước, nhà trường, DN. Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách quy hoạch để hút nhân tài, nguồn tài chính và công nghệ hiện đại.
Nhà trường giữ vai trò đào tạo “công dân thông minh”, qua việc điều chỉnh nhận thức, cung cấp kiến thức. DN sẽ tham gia ĐTST bằng hình thức hợp tác xây dựng chuyển giao (BT), xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT) hoặc cho thuê.
Xu hướng tất yếu
Thạc sĩ kinh tế Dương Thị Phương Trâm - Giám đốc Thông tin tín dụng Ngân hàng Nam Á đánh giá, hiện nay phát triển ĐTST hay thành phố thông minh là xu hướng tất yếu, là quá trình thích nghi với sự bùng nổ công nghệ thông tin, trải rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ đến hoạt động tổ chức, quản lý Nhà nước ở các quốc gia và hình thành nên xu hướng rõ rệt.
ĐTST sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và chính quyền. Về kinh tế, ĐTST tạo động lực cho phát triển xanh, phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp địa phương, đảm bảo kiểm soát tốt môi trường, khai thác tài nguyên hiệu quả, đẩy mạnh công nghiệp có hàm lượng chất xám cao và hướng đến nền kinh tế tri thức. ĐTST cũng đẩy mạnh sự liên kết khu vực và quốc tế, khuyến khích sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Về tiện ích, ĐTST sẽ mang đến cho người dân TP môi trường sống an toàn, không ô nhiễm, được hưởng đầy đủ các dịch vụ chất lượng về y tế, giáo dục, giao thông thuận tiện. ĐTST cung cấp các dịch vụ bình đẳng cho mọi tầng lớp Nhân dân, nhờ sự phát triển CNTT và hạ tầng kinh tế - xã hội. Về công tác quản trị đô thị, ĐTST cho phép chính quyền có thể vận hành và giám sát hệ thống cơ sở hạ tầng một cách thông minh nhất thông qua công nghệ tự động.
Có thể khẳng định, để xây dựng ĐTST cần tầm nhìn chiến lược lâu dài. Vì thế, TP Hồ Chí Minh sẽ tận dụng mọi nguồn lực sẵn có và kêu gọi hợp tác đầu tư, phấn đấu xây dựng thành công ĐTST trong tương lai không xa, trở thành đô thị thông minh và phát triển bền vững.
“TP sẽ khẩn trương triển khai đề án phát triển hệ thống logistics, xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm mua sắm - thương mại, trung tâm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, trung tâm dịch vụ bất động sản ngang tầm khu vực Đông Nam Á” - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. |