Có dấu hiệu sai phạm quy định về thẩm định giá
Theo Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, khi tiến hành thẩm định giá, đơn vị thẩm định giá phải dựa trên tài liệu chứng minh tính khả thi của kết quả thẩm định giá. Đồng thời, đơn vị thẩm định giá phải tiến hành khảo sát thông tin thực tế; thông tin từ các giao dịch mua bán tài sản trên thị trường (ví dụ: giá thực mua bán, giá chào bán, giá chào mua, điều kiện mua bán, khối lượng giao dịch, thời gian giao dịch, địa điểm giao dịch); thông tin trên các phương tiện truyền thông của địa phương, trung ương và của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; thông tin trên các văn bản thể hiện tính pháp lý về quyền của chủ sở hữu, về các đặc tính kinh tế - kỹ thuật của tài sản, về quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng, miền có liên quan đến tài sản.
Cần xử lý nghiêm đơn vị thẩm định giá "giúp" Mobifone mua AVG. |
Tuy nhiên trong thương vụ này, các đơn vị thẩm định giá đã không tuân thủ những quy định về thẩm định giá nêu trên. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) và Công ty TNHH Định giá Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) đã đưa ra kết quả thẩm định giá mà không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình của AVG. Còn Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX (AMAX) đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá trong khi số liệu này không có cơ sở. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kết luận rằng những hành vi nêu trên của các đơn vị thẩm định giá đã vi phạm quy định về thẩm định giá, do đó các đơn vị thẩm định giá phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của các đơn vị thẩm định giá
Theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, với những hành vi vi phạm nêu trên, các đơn vị thẩm định giá có thể phải chịu xử phạt hành chính. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Anh Đức (Công ty luật TNHH Đặng và cộng sự) cho ý kiến: “AMAX là đơn vị được Mobifone lựa chọn song đã vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam lập để định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; việc làm này đã vi phạm khoản 2 Điều 42 của Luật Giá, do đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, số tiền phạt có thể lên tới hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp thẩm định giá có khả năng bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Điều 40 Luật Giá”.
Ngoài ra, không chỉ các đơn vị thẩm định giá mà các thẩm định viên cũng có thể phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình trong việc định giá AVG. Cụ thể, theo quy định tại Điều 19 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, thẩm định viên nếu có vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70.000.000 VNĐ, bị tước có thời hạn thẻ thẩm định viên về giá và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Kết quả thẩm định giá AVG của các đơn vị thẩm định giá là một trong những yếu tố có liên quan đến sai phạm của Mobifone trong vụ việc mua lại 95% cổ phần của AVG. Do đó, trách nhiệm của các đơn vị thẩm định giá cần được điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.