Chưa xác minh đã vội ra quyết định hoãn xuất cảnh!
Theo đơn của ông Nhiên gửi Cục THADS TP Hồ Chí Minh để yêu cầu đơn vị này bồi thường. Ông Nhiên từ một người vô can đã bị cấm xuất cảnh trái pháp luật từ ngày 28/5 đến ngày 19/10 (gần 5 tháng). Trong quãng thời gian bị cấm xuất cảnh, ông Nhiên và gia đình đã bị thiệt hại khá nhiều về kinh tế và tinh thần, mà cơ quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp là Cục THADS TP Hồ Chí Minh.
Ông Phan Đình Nhiên, người yêu cầu Cục THADS TP Hồ Chí Minh bồi thường 1,136 tỷ đồng. |
“Cục THADS ban hành các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của tôi nhưng chưa một lần xác minh, trao đổi hoặc tiếp xúc để làm rõ. Ngay cả quyết định 1829/QĐ-CTHADS ngày 28/5, về việc “tạm hoãn xuất cảnh” đối với tôi cũng không thông báo hay trực tiếp tống đạt cho tôi dẫn đến việc tôi bị ngăn chặn ngay tại sân bay khi đã lên kế hoạch công tác, mua vé máy bay và đã tiến hành các thủ tục xuất cảnh. Việc bị hoãn xuất cảnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi, đến gia đình cùng các đối tác của tôi trong chuyến bay nói trên. Đó là tất cả bị hủy chuyến bay để chờ đến khi tôi được phép xuất cảnh. Các thiệt hại tôi gánh chịu không chỉ về vật chất, mà tinh thần cũng ảnh hưởng, chưa kể gia đình và các đối tác đã có thái độ nghi ngờ, mất niềm tin đối với bản thân vì mọi người nghĩ rằng tôi là tội phạm hoặc có vướng mắc pháp luật mới bị hoãn xuất cảnh, không ai tin tôi thực chất không biết và không liên quan gì đến Công ty TNHH Chau Kee Holdings Việt Nam”, ông Nhiên bức xúc nói.
Cũng theo ông Nhiên, sau khi bị hoãn xuất cảnh, ông bị thiệt hại nhiều khoản, nên ông yêu cầu Cục THADS TP Hồ Chí Minh phải bồi thường thiệt hại tổng số tiền lên tới 1.136.000.000 đồng. Đồng thời phải có thông báo cải chính, xin lỗi ông Nhiên về sự việc vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục hồi danh dự, nhân phẩm cho ông Nhiên.
Cơ quan nào chịu trách nhiệm chính?
Thiệt hại được ông Nhiên liệt kê gồm 8 khoản: Tiền vé máy bay bị hủy của ông Nhiên cùng với vợ là cô Nam Min Jung, một học viên đi theo sang Hàn Quốc là Bùi Thị Ngọc Giàu (3 vé giá 36 triệu); Thiệt hại do phải bồi thường cho đối tác về việc không bàn giao học viên đúng thời hạn (200 triệu); Thiệt hại bồi thường cho gia đình học viên vì không thực hiện công việc (50 triệu); Thiệt hại do vợ ông Nhiên mất thu nhập ở Hàn Quốc trong thời gian 5 tháng (150 triệu); Thiệt hại bản thân ông Nhiên mất thu nhập trong 5 tháng (200 triệu); Thiệt hại từ việc hết hạn visa do thời gian cấm xuất cảnh quá lâu, phải ra Hà Nội xin cấp lại (chi phí vé máy bay 4 lượt, lệ phí, chi phí sinh hoạt…) cùng các khoản mất thu nhập khác trong thời gian 2 tháng (200 triệu); Bồi thường tổn thất tinh thần cho vợ chồng ông Nhiên cùng cha mẹ ông đang sống tại Hàn Quốc (do ông Nhiên cấp dưỡng, 200 triệu); Chi phí đi lại, sinh hoạt, soạn thảo đơn từ, in ấn tài liệu và phí luật sư trong suốt thời gian khiếu nại từ khi xảy ra sự việc đến khi kết thúc 5 tháng cùng thời gian chờ giải quyết yêu cầu bồi thường (100 triệu).
Về vụ việc đòi bồi thường nêu trên, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Trong vấn đề này, Cục THADS TP Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm vì đây là cơ quan ra quyết định ban đầu và quyết định cuối cùng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. Tuy nhiên luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu), cho rằng: “Nếu quy trách nhiệm cho Cục THADS là chưa đúng hoàn toàn. Bởi Cục THADS ra quyết định theo yêu cầu của người yêu cầu thi hành án, vì vậy cần xem trách nhiệm liên đới của người yêu cầu và Sở KH-ĐT vì cơ quan này thay đổi nhiều người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Chau Kee Holdings Việt Nam trong một thời gian ngắn nhưng không kiểm tra hồ sơ!
Diễn biến vụ việc Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh qua loạt bài “Cục nợ từ trên trời rơi xuống”, vào ngày 29/5, ông Nhiên ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) để xuất cảnh sang Hàn Quốc giải quyết việc thì bị Công an cửa khẩu sân bay lập biên bản ngăn ông Nhiên xuất cảnh với lý do có quyết định “tạm hoãn xuất cảnh” của Cục THADS TP Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu, ông Nhiên biết mình không được xuất cảnh vì Cục THADS có quyết định 1829/QĐ-CTHADS ngày 28/5 về việc “tạm hoãn xuất cảnh” đối với ông Nhiên vì ông là đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Chau Kee Holdings Việt Nam, công ty này đang có nghĩa vụ thi hành án theo phán quyết số 44/16 HCM ngày 7/4/2017 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và quyết định Thi hành án 2017/QĐ-CTHADS ngày 10/8/2017 của Cục THADS. Tìm hiểu tiếp, ông Nhiên lại phát hiện mình được Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh cho làm… giám đốc đời thứ 8 của công ty nêu trên, nên làm đơn khiếu nại, vì ông không hề biết công ty này. Ngày 11/6, Sở KH-ĐT mời ông Nhiên làm việc và gửi công văn sang Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đề nghị xác định việc giả mạo hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Đến ngày 8/8, ông Nhiên tiếp tục yêu cầu Sở KH-ĐT giải quyết, tại buổi làm việc có thêm bà Hoàng Thị Vân (giám đốc đời thứ 7 của Công ty TNHH Chau Kee Holdings Việt Nam, đăng ký thay tên ông Nhiên thành giám đốc đời thứ 8). Tại buổi làm việc giữa các bên, bà Vân khẳng định bà không hề làm thủ tục ĐKKD cho công ty nêu trên, và không biết công ty này. Đến ngày 18/9, Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh ra thông báo xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN lần thứ 8 ngày 7/5, của Công ty TNHH Chau Kee Holdings Việt Nam là giả mạọ. Ngày 12/10, Sở KH-ĐT ban hành quyết định hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi doanh nghiệp và khôi phục giá trị pháp lý của giấy chứng nhận ĐKKD cũ, đồng nghĩa với việc thừa nhận ông Nhiên không có quyền, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm gì trong việc nợ nần của Công ty TNHH Chau Kee Holdings Việt Nam. Đến ngày 19/10, Cục THADS TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định 73/QĐ-CTHADS về việc “giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh” đối với ông Nhiên. |