Những người thừa kế di sản của Tuấn “khỉ”, bồi thường
Trong vụ án này, ngoài các bị can bị đề nghị truy tố về hình sự, còn có phần yêu cầu bồi thường dân sự của người nhà các nạn nhân, như: vợ của ông Võ Chí Tâm (xe ôm bị Tuấn “khỉ” bắn chết để cướp xe) yêu cầu bồi thường 1,6 tỷ đồng; vợ nạn nhân Lê Văn Long đòi bồi thường 180 triệu đồng; cha của nạn nhân Lê Thành Trung đòi bồi thường 400 triệu đồng; cha của nạn nhân Vương Ngọc Hưng yêu cầu bồi thường dân sự theo quy định và phụ giúp việc nuôi 2 con nhỏ của Hưng.
Tuy nhiên, bị can chính trong vụ án là Lê Quốc Tuấn bị đề nghị truy tố tội “Giết người; Cướp tài sản; Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” đã bị tiêu diệt, nên Cơ quan CSĐT ra quyết định đình chỉ bị can. Vậy phần bồi thường dân sự do người nhà các nạn nhân yêu cầu sẽ phải giải quyết như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?
Lê Quốc Tuấn (đã bi tiêu diệt), hung thủ dùng súng AK báng xếp bắn chết 5 người cùng 2 người bị thương tại sòng bạc và trong lúc trốn chạy.
Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết trên thực tế những vụ án hình sự không chỉ quan hệ pháp luật hình sự mà còn làm phát sinh quan hệ dân sự, tố tụng dân sự. Đó là quan hệ về bồi thường thiệt hại. Điều này quy định cụ thể tại khoản 1 điều 584 (Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
“Trong trường hợp đã xác định Lê Quốc Tuấn (Tuấn “khỉ”) có trách bồi thường thiệt hại, thì những người thừa kế là vợ, con, cha, mẹ của Lê Quốc Tuấn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản (bồi thường thiệt hại) trong phạm vi di sản do Lê Quốc Tuấn để lại căn cứ điều 615 BLDS năm 2015 (Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại).
Phải liên đới bồi thường, nếu là đồng phạm gây ra thiệt hại
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, tại điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, còn quy định nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Theo đó, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Có nghĩa, người thân của người bị hại có thể thỏa thuận hoặc làm đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại từ những người thừa kế của Lê Quốc Tuấn.
Việc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại điều 591 (Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm) BLDS năm 2015. Cụ thể: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại điều 590 của Bộ luật này; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, khoản 2 điều 591 BLDS năm 2015, còn quy định người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
“Những người liên quan trong vụ án, nếu là đồng phạm gây ra thiệt hại thì sẽ liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 587 BLDS năm 2015” - Luật sư Trần Thị Ánh, khẳng định.
Truy nã bị can Trần Quốc Đạt Liên quan đến vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy nã đối với bị can Trần Quốc Đạt (tức “Bi”, SN 1999, quê Quảng Ngãi, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) về hành vi “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Cụ thể, sau khi Phạm Thanh Tâm (tức Tý “bà dòm”, SN 1987, ngụ huyện Củ Chi, cũng là bị can trong vụ án) sang Campuchia mua nhiều súng (khẩu AK báng xếp, khẩu K54 và K59) cùng nhiều đạn đem về Việt Nam. Trong số súng đạn này, Tý “bà dòm” đưa khẩu AK báng xếp cho Tuấn “khỉ” và Tuấn “khỉ” dùng khẩu AK để gây án. Còn khẩu K59 cùng nhiều đạn, Tý “bà dòm” đưa Đạt cất giữ. Sau khi vụ án xảy ra, Đạt bỏ trốn khỏi nơi cư ngụ. |