Như Tiêu dùng đã thông tin ở bài trước, từ cuối năm 2010 đến 2012, hàng trăm cư dân đã ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) với Công ty Cổ phần xây dựng công trình 585 (Công ty 585), do ông Thân Đình Cường làm Tổng Giám đốc và đã thành toán cho công ty này 95% giá căn hộ, đã sinh sống ổn định hơn 10 năm, nhưng chưa được Công ty 585 làm thủ tục để nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Tuy nhiên, vừa qua 214 hộ dân thuộc chung cư này bất ngờ nhận được thông báo từ Ngân hàng TMCP Việt Á (Ngân hàng Việt Á).
Theo đó, ngày 6/6/2024, Ngân hàng Việt Á ban hành văn bản số 285/2024/TB-CNTPHCM gửi đến Công ty CP xây dựng công trình 585 (Công ty 585, chủ đầu tư dự án chung cư Phú Thạnh) và Ban Quản trị chung cư Phú Thạnh, để thông báo về việc tiến hành khởi kiện và yêu cầu chủ động bàn giao căn hộ.
Hơn 200 căn hộ chung cư Phú Thạnh (số 53 Nguyễn Sơn, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bỗng dưng bị Ngân hàng Việt Á thông báo "siết” nợ. Ảnh: Tiểu Thúy
"Kể từ ngày nhận được Thông báo này, Ngân hàng Việt Á đề nghị Công ty 585 hoặc Ban Quản trị chung cư Phú Thạnh thông báo đến các ông/bà đang sử dụng tài sản thế chấp (214 căn hộ - PV) có nghĩa vụ phối hợp và bàn giao tài sản cho ngân hàng để xử lý, thu hồi nợ vay Công ty 585 theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp", công văn của Ngân hàng Việt Á nêu.
Ngay sau khi nhận thông tin thông báo siết nợ nêu trên của Ngân hàng Việt Á, 214 hộ dân tại chung cư Phú Thạnh như ngồi trên đống lửa, cuộc sống bị đảo lộn, tâm lý bất an, lo lắng.
Để trấn an cư dân, Công ty 585 cam kết xử lý nợ để giải chấp các căn hộ ở chung cư Phú Thạnh. Tuy nhiên, không còn niềm tin với chủ đầu tư, cư dân chung cư Phú Thạnh đã tố cáo Công ty 585 có dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh mới đây đã chuyển đơn tố giác tội phạm sang Công an TP Hồ Chí Minh xem xét xử lý.
Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chuyển Công an TP Hồ Chí Minh để giải quyết tin tố giác có nội dung tố ông Thân Đình Cường - Tổng Giám đốc Công ty 585, chủ đầu tư chung cư Phú Thạnh có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc thế chấp ngân hàng các căn hộ đã bán để vay tiền
Cụ thể, ngày 8/7, Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có phiếu chuyển số 3870-24/PC-VKS-P12 gửi Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh về việc đơn tố giác, tin báo về tội phạm của các cá nhân, tố giác ông Thân Đình Cường - Tổng Giám đốc Công ty 585, địa chỉ tại số 88-88A đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền gần 1,2 tỷ đồng thông qua việc thế chấp ngân hàng các căn hộ chung cư đã bàn giao cho người mua để làm tài sản bảo đảm khoản vay.
Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã căn cứ quy định tại Điều 145, Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, để chuyển thông tin tố giác đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh để giải quyết theo thẩm quyền và gửi văn bản thông báo kết quả đến Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Đến ngày 9/7, văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP Hồ Chí Minh đã chuyển đơn tố giác đến phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền theo điều 36, Điều 145 và Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự.
Công an TP Hồ Chí Minh cho biết nhận được 20 đơn tố cáo Công ty Công ty 585 (chủ đầu tư) chung cư cao tầng Phú Thạnh có dấu hiệu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Liên quan đến vụ việc nói trên, theo luật sư Lê Ngô Trung – Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự, với việc một tài sản mà chủ đầu tư vừa đem đi cầm cố thế chấp cho ngân hàng, vừa đem bán cho người dân thì hoàn toàn có cơ sở để xem xét về hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng cần xem xét trách nhiệm của ngân hàng, cụ thể: theo hợp đồng mua bán được giao kết và thực hiện giữa chủ đầu tư và khách hàng có ba hình thức thực hiện thanh toán mà trong đó có hai hình thức là nộp tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của chủ đầu tư mở tại chính bên cho vay (Ngân hàng Việt Á). Điều này đặt ra câu hỏi về việc ngân hàng này có biết và kiểm soát hay không dòng tiền thanh toán và giao dịch liên quan chính tài sản mà mình đang nhận thế chấp?
Bởi lẽ, thông thường khi tiến hành giao dịch thế chấp thì các ngân hàng chỉ cho vay thấp hơn giá trị tài sản, và việc thanh toán liên quan tài sản đang thế chấp được chỉ định vào tài khoản của bên thế chấp (chủ đầu tư) mở tại ngân hàng cho vay là công cụ đảm bảo kiểm soát dòng tiền và để khấu trừ trực tiếp vào khoản vay. Đối với các căn hộ đã thanh toán đủ phần đã thế chấp và được khấu trừ trực tiếp thì phía ngân hàng có cơ sở thực hiện việc giải chấp để chủ đầu tư sang tên cho người mua. Trong khi thực tế nhiều người mua đã thanh toán lên đến 95% giá trị căn hộ mà vẫn không tiến hành thủ tục giải chấp, liệu có hay không việc Ngân hàng Việt Á không hề hay biết về các giao dịch này giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ?
Kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!