Cuộc họp có sự tham dự đông đủ các bộ, ban ngành liên quan, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) - Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT).
Toàn cảnh cuộc họp khẩn do ông Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, ngay sau khi nhận thông tin sự cố ở Lào, các cơ quan đã tính toán đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến đồng bằng sông Cửu Long. Mực nước dâng ở khu vực này khoảng 5-10cm. Theo tính toán sau 4-5 ngày lượng nước từ đập vỡ ở Lào sẽ về đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
“Sự cố cỡ đập thủy điện ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam, chúng ta cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thuỷ điện thuỷ lợi trước mùa mưa lũ. Thứ 2, tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước. Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thuỷ điện để có giải pháp ứng phó kịp thời”, ông Hải cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, các hồ chứa nhỏ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các hồ chứa đang xuống cấp hoặc đã đầy nước. Để giảm bớt rủi ro, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã đầu tư sửa chữa 230 hồ chứa lớn. Tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao lại đến từ hồ chứa nhỏ, đây là vấn đề lớn cần được quan tâm và có giải pháp căn cơ.
Sau sự cố vỡ đập tại Lào, ông Tỉnh cho rằng đây là bài học lớn trong công tác chuẩn bị chủ động ứng phó an toàn đập cho hệ thống hồ chứa tại Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
Trước đó, đánh giá về thiên tai năm nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai hiện nay đang rất cực đoan, thường sau các đợt nắng nóng là mưa lớn. Chúng ta có thể khẳng định mưa lớn trên toàn vùng, khiến 110 người chết. Nguy hiểm hơn, tất cả rừng và đất rừng ở nước ta đã no nước, bất kỳ chỗ nào có mưa từ 100-150mm đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây ra tổn thương nghiêm trọng. Nhiều thiết chế hạ tầng quá tải, nhất là hơn 1.000 hồ chứa thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa được sửa chữa.
"Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một loạt đê cấp 1,2,3 tổn thương ghê gớm như vậy, ẩn hoạ khôn lường", Bộ trưởng lo lắng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đánh giá, nếu chúng ta không khẩn trương củng cố lại hạ tầng và các giải pháp thì không chỉ hậu quả sẽ nặng nề, mà thậm chí là thảm hoạ thiên tai sẽ xảy ra.
“Dự kiến nay mai nếu không cẩn thận rất nguy hiểm. Tất cả tầng lớp mặt đất và rừng núi nước ta đã bão hòa nhất là sau 2 đợt mưa vừa qua. Chỗ nào lượng mưa 150mm - 200mm đều nguy hiểm chết người”, Bộ trưởng nói.
Vì vậy, Bộ trưởng Cường yêu cầu EVN tăng cường kiểm tra, rà soát lượng nước tại các đập thủy điện, thực hiện nghiêm lệnh của Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT trong việc điều tiết nước tại các hồ chứa.
Các địa phương có phương án ứng phó kịp thời, không để thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết mưa do vùng áp thấp suy yếu đang diễn ra ở phía Bắc, mưa chủ yếu ở thượng nguồn sông Thao và đêm nay chuyển sang thượng nguồn sông Đà. Dọc các tỉnh biên giới Hà Giang, Lai Châu đang mưa và có mưa dao động từ 40-100mm/ngày, lượng mưa chỉ ở 1 vài điểm.
Từ hôm nay đến ngày 27: Dự kiến lượng mưa lớn tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc trải dài các tỉnh Hà giang, Lào Cai, Yên Bái sang Lai Châu, lượng mưa ước tính từ 50-100mm/ngày. Lượng mưa ở Vân Nam (Trung Quốc) và thượng lưu sông Thao to hơn ở Việt Nam trong đợt này, ước tính 100-300mm/ngày; sông Đà lượng mưa ước tính khoảng 200mm; sông Lô: 250mm.
Từ 28 đến 31/7, dự kiến mưa tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lượng mưa ở sông Đà: 200mm, lưu vực sông Thao: 230 mm. Theo ông Hoàng Đức Cường, Yên Bái đang là nơi chịu mưa liên tục nhất, còn nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền nhí phía Bắc nhưng đặc biệt Lai Châu vì đợt mưa trước và đất đá bão hòa; sau đó là Yên Bái rồi Hòa Bình, các tỉnh phía Tây, Thanh Hóa.
Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ gây ngập lụt ở ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào.
Trước đó, đêm 23/7, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, phía Đông Nam Lào bị vỡ. Theo hãng thông tấn Lào LNA, hàng trăm người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào, được cho là đã thiệt mạng.
Nhiều nhà dân bị cuốn trôi. Hàng trăm người mất tích và hàng nghìn người lâm vào cảnh không nhà cửa sau sự cố vỡ đập. Hiện lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt nhiều thách thức về đi lại và liên lạc do địa bàn bị ảnh hưởng có phạm vi rất rộng.
Báo Vientiane Times dẫn lời một quan chức địa phương ở tỉnh Attapeu cho biết, tính đến sáng nay 25/7, đã có 19 thi thể được tìm thấy trong khi hơn 3.000 người cần cứu trợ, gần 3.000 người khác đã được đưa đến nơi an toàn.
Hồ chứa thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy có thiết kế 1,034 tỷ m3 và hiện mới tích nước được một phần. Lưu lượng xả của thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy hơn 200m3/s, rất thấp so với lưu lượng đang xả của các thuỷ điện lớn ở Việt Nam. Khoảng cách từ thuỷ điện tới biên giới Việt Nam khoảng 650km và nếu có tác động đến Việt Nam phải 5-8 ngày nước mới về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang).