Ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) – cho biết: Cuối tháng 12 này, Viện sẽ nộp hồ sơ nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 cho Bộ Y tế.
Dự kiến, vào đầu tháng 3/2021 lô vaccine này sẽ được thử nghiệm trên người. Tùy theo tiến độ, IVAC có thể đẩy nhanh việc thử nghiệm lâm sàng trên người lên cuối tháng 2. Hiện, các nhà nghiên cứu của IVAC đang bám sát kế hoạch nghiên cứu vaccine phòng Covid-19.
Trước đó, IVAC đã gửi mẫu sang Ấn Độ và Mỹ để họ thử nghiệm trên chuột rat và chuột hamster - những động vật được cho phép sử dụng trong nghiên cứu vaccine.
Ảnh minh họa.
Chia sẻ về công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19, ông Thái cho hay: Công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 của IVAC dựa trên công nghệ sản xuất vaccine cúm đại dịch. IVAC có nhà máy sản xuất vaccine cúm đại dịch được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ. Từ nhiều năm nay, IVAC đã thự hiện quy trình công nghệ bảo đảm, được giấy phép đầy đủ.
Theo ông Thái, mục tiêu chính của IVAC là sản xuất được vaccine phòng Covid-19 với số lượng lớn lên tới hàng chục triệu liều có giá thành hợp lý. Vaccine phòng Covid-19 được nghiên cứu tại IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi có quy trình sản xuất tương tự sản xuất vaccine cúm đại dịch A/H5N1 đã được thiết lập, có thể sử dụng nhà máy sản xuất vaccine cúm đại dịch hiện có của IVAC.
Chủng NDV-LaSota-S được dùng làm vector biểu hiện protein S của virus SARS-CoV-2 với ưu điểm an toàn trên động vật, tạo được miễn dịch trên động vật thí nghiệm. Đặc biệt, được nuôi cấy trên trứng gà cho hiệu giá cao, sản xuất được hàng triệu liều vaccine.
Trước đó, vào tháng 9, IVAC đã sản xuất ba lô vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Dự kiến, IVAC sẽ nộp hồ sơ cấp phép vaccine vào quý 4/2021.