Smartphone giúp mọi người thuận tiện khi khai báo y tế. Ảnh: phunuonline
Tin từ Phú Yên cho biết, chiều 8/8, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh này đã đi kiểm tra thực tế các chốt kiểm soát dịch Covid-19 và tặng 100 điện thoại di động thông minh để phục vụ việc quét mã QR.
Lãnh đạo tỉnh cũng giao Sở TT&TT rà soát số hộ nghèo, cận nghèo chưa có điện thoại di động thông minh, đề xuất phương án hỗ trợ; phấn đấu trong quý III năm nay, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 điện thoại di động thông minh sử dụng phần mềm khai báo y tế.
Trước mắt, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành liên quan triển khai cho tất cả người dân có điện thoại di động thông minh cài đặt Bluezone. Ứng dụng Bluezone sẽ tích hợp các thông tin khai báo y tế điện tử của từng cá nhân, thông tin tiêm chủng, xét nghiệm và cả hành trình di chuyển.
Đối với các chốt kiểm soát, triển khai ngay việc kiểm soát thông tin người và phương tiện qua lại, khai báo y tế điện tử (có mã QR) tại các chốt kiểm soát. Với việc quét mã QR này là để tiến tới người dân khi qua chốt, hoặc đến các nơi công cộng sẽ không cần phải khai báo thông tin theo cách thủ công, tránh tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay bao gồm rất nhiều nhiệm vụ song hành, không chỉ có sự dốc sức của cả hệ thống chính trị, mà cần nhất là sự đồng hành của mọi người dân. Ảnh: thanhnien.vn
Có thể nói công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay bao gồm rất nhiều nhiệm vụ song hành, không chỉ có sự dốc sức của cả hệ thống chính trị, mà cần nhất là sự đồng hành của mọi người dân.
Việc xét nghiệm tầm soát, phát hiện nhanh người F0, F1 để đưa nhanh ra khỏi cộng đồng phục vụ điều trị từ những ngày đầu bùng dịch, đến vận động toàn dân hưởng ứng tiêm và tiêm đủ liều vaccine, đến nay là hoạt động không ngơi nghỉ của cả hệ thống chính trị, nhất là những vất vả, thậm chí hy sinh của đội ngủ nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là những hy sinh cao cả, đáng trân trọng.
Mặc dù chúng ta vẫn kiên cường “Chống dịch như chống giặc”, thế nhưng, diễn biến dịch bệnh chưa có chiều hướng dùng lại. Và hàng ngày, nhiều địa phương vẫn và tiếp tục chứng kiến những “sự ra đi” không thể cầm lòng. Đau thương vẫn đó, mất mát vẫn đó!
Hơn lúc nào hết, cùng với quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị, thì cộng hưởng quyết tâm từ lòng dân vẫn là yếu tố then chốt. Ảnh: Reuter
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh và điều kiện hiện tại, mỗi nhà mỗi cảnh, không phải ai cũng có công nghệ, không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ như điện thoại smartphone, như phần mền Khai báo y tế, Bluezone… để qua đó giúp cơ quan phòng chống dịch kịp thời kiểm soát, ghi nhận những diễn tiến tình hình dịch bệnh trong cộng đồng .
Điều này có thể ví như những thông tin “địch vận”, nó luôn là nguồn tin quan trọng góp phần cho chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Tiến tới mỗi gia đình chưa có điều kiện, tỉnh Phú Yên sẽ hỗ trợ có một điện thoại smartphone, rồi hướng dẫn toàn dân cách sử dụng… có thể thấy đây là mộ sáng kiến từ chính quyền tỉnh này. Chuyện tưởng chừng nhỏ, nhưng tỉnh táo nhìn nhận thì hiệu quả mang lại sẽ vô cùng lớn.
Sẽ không còn thông tin nào tốt hơn là Ban chỉ đạo chống dịch hàng ngày ghi nhận được phản hồi, thông tin từ cộng đồng dân cư. Điều này sẽ giúp chúng ta nắm chắc hơn, nhanh hơn những diễn biến của dịch bệnh để có động thái phòng chống kịp thời.
Câu chuyện từ Phú Yên đang rất cần được bổ sung vào “giáo khoa phòng chống dịch” và nhân rộng trên nhiều mặt trận trong cuộc chiến với virus SARS-CoV2 hiện nay…