Thư viện thông minh của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh
Theo đó, thư viện thông minh Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) có hơn 398.000 đầu sách thuộc lĩnh vực kinh tế, trong đó có 600 đầu sách đến từ Harvard. Đồng thời, thư viện kết nối cơ sở dữ liệu với hơn 90 nhà xuất bản các trường đại học danh giá của Mỹ. Người học có thể đăng ký các phòng tự học, tra cứu tài liệu online trên website và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân viên thư viện.
Không gian được thiết kế sống động, thư viện UEH được trang bị nhiều camera cảm biến và thiết bị thu thập thông tin khác. Nhờ ứng dụng công nghệ IoT, các thông số như lượng người đang tập trung ở bất kỳ vị trí nào; chất lượng không khí như bụi mịn, nhiệt độ, độ ẩm; tiếng ồn, cường độ ánh sáng đều được hệ thống thu thập để có những điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, thư viện còn trang bị chip đo âm thanh, vận dụng những thuật toán thông minh để phân tách giữa khu vực trao đổi học tập sôi động và khu vực tập trung cần yên tĩnh. Công nghệ IoT, kiến trúc và nghiệp vụ thư viện kết hợp với nhau không những tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên mà còn giúp không gian thư viện được cá nhân hóa cao độ, phù hợp với từng hoạt động diễn ra tại các khu vực.
“Không gian mát mẻ đưa cho em sự sáng tạo, ở nhà không có không gian như vậy”. Hoàng Tấn Sang - Sinh viên UEH nhận định. Còn sinh viên Trí Thiện thì cho biết: “Em thấy khi tìm một tài liệu chuyên môn nào thì vào website thư viện sẽ thấy các bài báo khoa học hay những quyển sách có thể đọc trực tiếp online trên đấy. Còn khi tìm trên google thì những tài liệu này khó có thể tải hoặc khó có thể xem”.
Ông Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L cho biết: “Chính những thông số mà chúng tôi thu thập được từ thiết bị IoT cộng với các thông số thu được từ các giao dịch và của bạn đọc với thư viện thông qua các phần mềm quản lý thư viện, thông qua mobile app mà thư viện đang sử dụng chúng ta có thể biết được bạn đọc, nhà nghiên cứu đang nghiên cứu về vấn đề gì hoặc thích chủ đề gì nhất. Thời điểm hiện nay đang vào khóa học nào từ đó gợi ý các khóa học mà bạn đọc mong muốn”.
Nếu trước đây thủ thư phải trực tiếp mở cửa, bật điều hòa các phòng họp thì nay sinh viên có thể tự đặt lịch trên điện thoại và khi đến quét mã dò code thì đèn tự động sáng, điều hòa đã được bật sẵn. Hiện tại thư viện UEH có 3 cơ sở ở ba nơi khác nhau nhưng chỉ cần 10 nhân viên để có thể quản lý tất cả các hoạt động.
Tại thư viện thông minh UEH, chỉ cần một thao tác nhỏ bạn có thể tìm thấy tài liệu mà bạn muốn với hơn 398.000 đầu sách thuộc lĩnh vực kinh tế.
Bà Hoàng Tuyết Anh - Giám đốc thư viện UEH cho biết, đây thực sự là môi trường để sinh viên, giảng viên sáng tạo và có thể trải nghiệm được rất nhiều điều mới mà công nghệ đem đến. Chúng tôi đã cố gắng tích hợp tất cả những điều cần thiết đáp ứng nhu cầu của sinh viên và giảng viên khi tìm đến thư viện. Đây còn là một môi trường tương tác, nơi để các em có được nhiều không gian chia sẻ. Không chỉ thông minh, các dữ liệu từ hạ tầng, dịch vụ và trải nghiệm, công tác quản trị của thư viện này đã được quan tâm thu thập lại, để tiếp tục nghiên cứu, mang lại những giá trị mới từ đó có cơ hội trở thành trường học đầu tiên của Việt Nam thậm chí là khu vực Đông Nam Á hoàn chỉnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.
GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường UEH chia sẻ: “Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh xây dựng 9 đề án thúc đẩy trường phát triển vượt bậc. Trong 9 đề án đó, có đề án chuyển đổi số. Việc hình thành thư viện thông minh cũng nằm trong đề án chuyển đổi số này, nhằm mang lại nhiều lợi ích lớn tạo ra hệ sinh thái về hợp tác, tương tác và cá nhân hóa cho người sử dụng thư viện. Đó là điều kiện hỗ trợ việc đào tạo online của nhà trường. Cũng là một thành viên triển khai các đề án tài nguyên số cho các trường đại học chuyên về lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực khoa học xã hội. Đó là tinh thần trách nhiệm của nhà trường hướng đến cộng đồng, hướng đến xã hội. Nhà trường mong muốn không chỉ phục vụ cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh mà còn phục vụ cho cộng đồng”.
Được biết, ý tưởng, giải pháp để xây dựng thư viện này hoàn toàn do các kỹ sư, kiến trức sư, nhà quản lý Việt Nam phát triển. Điều này thêm một lần nữa cho thấy khả năng của người Việt tham gia vào các cuộc đua công nghệ mới trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
Hy vọng rằng thư viện thông minh UEH sẽ tiếp tục được số hóa, mang lại nhiều tiện ích hơn nữa trong tìm kiếm và xử lý dữ liệu phục vụ cho sinh viên, giảng viên UEH và cộng đồng.