Cụ thể, theo các nhà xe, chủ phương tiện cho rằng họ không đi đường tuyến tránh BOT mà phải đóng phí BOT là điều vô lý.
Ngày 13/7, trao đổi với Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Bon, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy được nhà đầu tư xây dựng trên 12 km. Cùng với việc xây dựng tuyến tránh, nhà đầu tư cũng đã tăng cường gia cố thêm QL1 khoảng 26,5 km, sửa chữa 14 cầu. Tổng kinh phí của dự án này khoảng 1.400 tỉ đồng. Trong đó, xây dựng tuyến tránh 1.000 tỉ đồng và khoảng 400 tỉ đồng đầu tư nâng cấp QL1.
Vị trí trạm thu phí BOT tuyến tránh Cai Lậy. Ảnh: ĐH
“Sắp tới nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng cường nâng cấp QL1 đoạn từ trạm thu phí đến cầu Mỹ Thuận. Khi đó QL1 sẽ được nhà đầu tư nâng cấp toàn tuyến từ ngã ba Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận. Như vậy, nhà đầu tư không chỉ thực hiện việc xây dựng tuyến tránh không mà còn gia cố thêm tuyến QL1. Và dự án nâng cấp QL1 cũng sẽ được đưa vào dự án BOT là hợp lý” - ông Bon cho biết.
Đồng thời, ông Bon cũng thông tin thêm vị trí đặt Trạm BOT Cai Lậy trên QL1 đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận. Thời gian thu phí hoàn vốn của chủ đầu tư sẽ được thực hiện trong sáu năm bảy tháng. Theo ông Bon, hiện ngành giao thông đang cùng công an và địa phương xây dựng giải pháp chống ùn tắc tại trạm thu phí khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, Sở GTVT cũng đã yêu cầu nhà đầu tư xem xét miễn giảm cho một số phương tiện ở các xã xung quanh thường xuyên qua lại trạm thu phí.
Về mức giá qua trạm, ông Bon cho biết trạm thu phí BOT sẽ thực hiện thu mức phí đối với từng loại phương tiện theo quy định của Bộ Tài chính. Cụ thể, giá vé xe dưới 12 ghế, xe tải có tải trọng dưới hai tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng là 35.000 đồng/lượt. Xe 12-30 ghế, xe tải có tải trọng từ hai tấn đến dưới bốn tấn 50.000 đồng/lượt...