9h ngày 4/5, khoảng 50 tài xế trú thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đi ôtô, taxi và dùng tiền lẻ mệnh giá thấp để mua vé (mỗi lượt 35.000 đồng) qua trạm thu phí Cầu Rác ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên.
Tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá thấp, thấm nước để mua vé qua trạm thu phí Cầu Rác. Ảnh: Đ.H |
Nhiều tài xế chuẩn bị tiền lẻ 1.000, 2.000 đồng thấm nước, hoặc vo tròn để trong mũ rồi đưa cho nhân viên soát vé. Đơn vị thu phí ở trạm Cầu Rác đã phải tăng cường hàng chục nhân viên chia nhau kiểm đếm. Trung bình mỗi xe qua trạm mất khoảng 5 phút để nhân viên đếm tiền.
Các tài xế trên cho rằng, vừa qua người dân gần trạm Cầu Rác gồm huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh được miễn phí BOT qua trạm, vậy tại sao người dân thị xã Kỳ Anh cũng ở gần trạm này lại phải mua vé, như vậy là "miếng bánh chia không đều".
"Chúng tôi không sử dụng đường BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh, tại sao lại phải mua vé", một tài xế bày tỏ.
Việc các tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm khiến giao thông ùn tắc kéo dài khoảng vài trăm mét, trạm Cầu Rác sau đó đã mở barie cho tất cả các ôtô đi qua. Một số tài xế vẫn dừng xe yêu cầu nhân viên cho mua vé, đến khi có sự can thiệp của cảnh sát thì các lái xe này mới rời đi.
Đoàn xe của nhóm tài xế đã vòng lại qua trạm Cầu Rác khoảng 2-3 lượt rồi mới đi về. Một lãnh đạo xã Cẩm Trung cho biết, nhà chức trách huy động khoảng hơn 50 người túc trực, điều tiết giao thông. Đến 10h, tình hình ùn tắc cơ bản được giải quyết.
Sự việc khiến các phương tiện di chuyển qua trạm Cầu Rác bị ùn tắc nhẹ khoảng vài trăm mét. Ảnh: Đ.H |
20 ngày trước, gần 40 người dân huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh xuống đường cùng 30 xe tải ben loại dưới 8 tấn, một số ôtô 4 chỗ tập trung đầu trạm thu phí Cầu Rác, mang băng rôn "Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao phải trả phí". Ngày 27/4, Bộ Giao thông thống nhất giảm 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ khi qua trạm thu phí Cầu Rác cho phương tiện của người có hộ khẩu thường trú và các tổ chức, doanh nghiệp trụ sở chính ở 2 huyện nêu trên.
Cách đây một tuần, UBND thị xã Kỳ Anh có văn bản gửi tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Sông Đà (chủ đầu tư) đề xuất miễn phí qua trạm Cầu Rác cho người dân trên địa bàn, vì người dân thị xã này cũng không tham gia tuyến đường BOT tương tự 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Ông Tưởng Hùng Vương, Phó giám đốc công ty TNHH hạ tầng Sông Đà, cho biết đơn vị chưa nhận được văn bản của thị xã Kỳ Anh. "Bà con phản ứng vậy là chưa phù hợp, làm ảnh hưởng tới giao thông. Tới đây nhận được văn bản của huyện, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Giao thông tìm phương án giải quyết", ông Vương nói.
Trạm thu phí Cầu Rác được xây dựng để hoàn vốn cho quốc lộ 1A. Năm 2009 tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh dài 16 km từ xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đến xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) được xây theo hình thức BOT đi vào hoạt động, trạm Cầu Rác được giữ nguyên để hoàn vốn cho công trình này. |