Theo ghi nhận, tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, việc “đi chợ hộ” đã được phường triển khai từ trước ngày 23/8. Tuy nhiên, khi TP tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, phường đã tăng cường lực lượng thêm 3 lần để hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm.
Những combo hàng hoà được soạn sẵn với nhiều mức giá khác nhau để người dân lựa chọn
“Thay vì ghi cụ thể từng món hàng cần mua, phường đã lên sẵn nhiều “combo” có giá từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn. Chỉ cần đăng ký, thực phẩm sẽ được giao tận nhà ngay trong ngày” - chị Ngô Thị Trang (Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho hay.
Cũng theo chị Trang, ngoài việc “đi chợ hộ”, phường Linh Trung còn thành lập 3 điểm an sinh xã hội khẩn cấp. Mỗi điểm sẽ công khai số điện thoại, có người trực, người vận chuyển. Mỗi suất từ gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá khoảng 300.000 đồng gồm có gạo, dầu ăn, nước mắm, ngũ cốc, bột ngọt…
Một hộdân vui mừng nhận thực phẩm do cán bộ phường Linh Trung, TP Thủ Đức "đi chợ hộ". Ảnh: Đoàn Thanh niên phường Linh Trung cung cấp
Tương tự, từ ngày 22/8, UBND phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản thông báo gửi đến toàn thể nhân dân trên địa bàn phường về việc tăng cường kiểm soát việc giãn cách xã hội trên toàn địa bàn phường để phông, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, trong thông báo, UBND phường Võ Thị Sáu khẳng định, về lương thực, thực phẩm, TP đảm bảo nguồn cung cấp cho người dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội. Người dân trên địa bàn phường có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, dược phẩm và dụng cụ y tế xin liên hệ với Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân (liên hệ qua các số điện thoại đính kèm).
Đồng thời, nghiêm cấm tất cả hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 như tụ tập, mua bản lượng thực, thực phẩm tự phắt trên địa bàn. UBND phường sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cổ tình vi phạm.
Lực lượng đi chợ hộ sẽ lấy phiếu ghi lại từng loại hàng hóa, theo combo hoặc số lượng rồi tiến hành tới siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua, sau đó đem tới tận nhà giao cho người dân, quy trình này phải đảm bảo phòng dịch Covid-19
Chiều ngày 23/8, chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, chị Lê Thị Nhi (Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, sáng nay chị đăng kí nhờ phường đi chợ hộ, sau khi chuyển khoản đến trưa đã nhận được hàng. Toàn bộ quá trình tuân thủ công tác phòng dịch, việc đăng ký lại rất đơn giản.
“Quan trọng nhất là giá cả rất hợp lý, được đi chợ hộ nhưng giá giống y như tự mình đi siêu thị, đây là một sự hỗ trợ rất lớn cho người dân trong lúc dịch bệnh khó khăn thế này. Thật lòng, rất cảm ơn chính quyền, các tổ tình nguyện đã hi sinh để tôi, gia đình, và nhiều gia đình khác ở Sài Gòn được an toàn” – chị Nhi bày tỏ.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, nhiều phường, xã tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai mô hình đi chợ giúp người dân trên địa bàn. Theo đó, lực lượng chức năng gồm cán bộ phường xã sẽ phát phiếu mua hàng tới từng hộ dân. Sau đó, người dân sẽ đăng ký các loại, số lượng hàng hóa cần mua, nộp tạm tiền ứng trước theo giá niêm yết để lực lượng chức năng tổng hợp phiếu, đi mua hàng và phát lại các hộ dân. Việc này có thêm sự trợ giúp của lực lượng quân nhân ở một số nơi khác hỗ trợ việc vận chuyển, phân phối.
Một cán bộ nam đang đọc đơn hàng của người dân tại siêu thị để tìm mua hàng hoá theo đúng nhu cầu người dân đã nhờ "đi chợ hộ" trước đó. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Trước đó, tối ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã ban hành công văn khẩn về Kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm trong giai đoạn thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch từ 23/8 đến 6/9.
Theo quyết định này, từ ngày 23/8, người dân tại TP được lực lượng chức năng giúp “đi chợ hộ”, đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TP thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố...), công an, quân đội với tần suất 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân và người dân trả tiền.