Đã hỗ trợ 13.727.518 lượt người
Ngày 12/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các sở, ngành, đơn vị được giám sát về thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đến dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng; 6 đơn vị được giám sát, gồm: Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTB&XH), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Cục thuế; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức; thành viên đoàn giám sát.
Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh (đứng) phát biểu tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho biết hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến của các đại diện Hội Doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP về những khó khăn của DN trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.
Tại buổi đối thoại, đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, theo chương trình giám sát các nghị quyết, quyết định về các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của TP đối với người dân, DN trong và sau đại dịch Covid-19, tính đến ngày 30/6/2022, TP đã duyệt hỗ trợ 15.371.427 lượt đối tượng với số tiền hơn 17.475 tỷ đồng; Đã hỗ trợ cho 13.727.518 lượt người với hơn 15.538 tỷ đồng. Đây là số tiền hỗ trợ lớn chưa có tiền lệ tại TP. Số đối tượng còn lại đang trong quá trình bổ sung, đề xuất.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến hết ngày 31/8/2022, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 68.758 lượt DN với 1.677.139 lượt người, số tiền hỗ trợ hơn 976 tỷ đồng. Đến nay đã chuyển kinh phí đến 63.900 lượt DN với 1.639.046 người được hỗ trợ tiền thuê nhà, số tiền trên 953 tỷ đồng, đạt 97,68% so với phê duyệt.
Số kinh phí còn lại do nhiều nguyên nhân khách quan, như: DN cung cấp thông tin chưa chính xác (số tài khoản, thông tin chủ tài khoản không đúng với tên đơn vị thụ hưởng), không liên hệ được với DN để cập nhập, điều chỉnh thông tin…
Kiến nghị cho chuyển đất nông nghiệp thành đất đô thị
Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Công Thương cho biết đến nay các quận, huyện và TP Thủ Đức đã phê duyệt đối với 26.457 thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ, đã giải ngân hơn 38 tỷ đồng cho 26.086 hộ kinh doanh, đạt tỷ lệ 98,60%. Các trường hợp chưa thực hiện giải ngân chủ yếu do thương nhân không nhận hỗ trợ, thương nhân mất do nhiễm Covid-19, chưa kinh doanh trở lại, một số trường hợp trùng, nhầm trong công tác rà soát đối tượng.
Bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP đặt ra nhiều vấn đề tại buổi đối thoại, như: Nhiều dự án treo đến nay Sở TN&MT có rà soát lại và giải quyết thế nào? Báo cáo của Sở TN&TM có nói về cơ chế ủy quyền giao cho các Văn phòng Đăng ký đất đai, nên cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải, chỉ trong 1 năm giải quyết được 47.269 hồ sơ, vậy hồ sơ tồn là bao nhiêu?
Bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP chất vấn các sở, ngành tại buổi đối thoại
Đối với Sở LĐTB&XH, vì sao đến nay chỉ mới hỗ trợ người lao động ngừng việc được 48,78%? Hỗ trợ thêm cho trẻ em và người cao tuổi khuyết tật chỉ đạt 45,29%? Vì sao hỗ trợ người điều trị Covid-19, cách ly y tế chỉ đạt 63,85%? Trong khi theo yêu cầu khi thực hiện phải đạt 100%, có vướng gì ở cơ sở mà chưa triển khai được các Nghị quyết của HĐND TP?
Còn ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ TP, đề nghị xem lại “tỷ lệ hài lòng” vì theo Cổng thông tin Chính phủ, cả nước có 5,3 triệu hồ sơ nhưng chỉ nộp vào cổng thông tin Quốc gia 11.000 hồ sơ, đây là con số không chính xác. Đối với vấn đề đất nông nghiệp ở ngoại thành còn khá nhiều (chiếm 52%), nhưng không sử dụng vào nông nghiệp, đóng góp chưa tới 1% GDP. Trong khi đất đô thị chiếm 48%, nhưng đã đưa TP Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế. Do đó Sở Xây dựng cần kiến nghị UBND TP cho phép người dân, DN nhỏ được xây các công trình phụ trợ để sản xuất trên đất nông nghiệp. Sở TN&MT cần kiến nghị cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp lên đất đô thị.
Trả lời những câu hỏi liên quan đất đai, dự án treo, ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho rằng trước kia HĐND TP đã giám sát rất kỹ vấn đề này, đã xử lý được 169 dự án treo. Gần đây, Sở TN&TM có rà soát lại những dự án quá 3 năm không triển khai và đang phối hợp các sở, ngành khác phân tích nguyên nhân. Trường hợp nào có lý do chính đáng, thì tham mưu UBND TP gia hạn và gia hạn thêm thời gian sử dụng đất. Trường hợp nào không có lý do chính đáng sẽ chấm dứt dự án. Nếu dự án chấm dứt nhưng quy hoạch vẫn không thay đổi thì vô nghĩa, do đó các sở cần ngồi lại để bàn bạc, định hướng khu vực đó thế nào, lúc này mới giải quyết căn cơ vấn đề quy hoạch treo.
Đã thí điểm cho xây công trình tạm trên đất nông nghiệp
Đối với tồn đọng hồ sơ của dân, đề xuất cho chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp lên đô thị, ông Trần Văn Bảy cho rằng Sở TN&TM phân nhóm theo từng danh mục (chờ thay đổi, xin ý kiến Trung ương, ý kiến TP).
Ảnh minh họa
“Số hồ sơ tồn đọng còn khá nhiều, giải quyết từng bước, theo lộ trình, vì có những trường hợp có lỗi ở chính quyền, có những trường hợp cũng có lỗi của DN. Về cơ chế ủy quyền, do khối lượng hồ sơ quá lớn nên Sở đã tham mưu UBND TP cho phép ủy quyền các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai được quyền xử lý, nếu cấp dưới làm tốt thì ủy quyền. Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp thành đất đô thị chúng tôi rất đồng tình và sẽ tham mưu với UBND TP” - ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&TM, cho biết.
Về kiến nghị cho các DN vừa và nhỏ, người dân được xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất, đại diện Sở Xây dựng khẳng định đã khảo sát kỹ và đã tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản 3680 ngày 25/9/2020 thuận chủ trương cho phép thí điểm ở 3 huyện: Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Đến tháng 1/2022 đã triển khai 138 hồ sơ của các DN vừa và nhỏ, người dân xin xây dựng công trình phụ trợ để sản xuất nông nghiệp. Trong đó huyện Củ Chi 120 hồ sơ, Nhà Bè 7 hồ sơ, Cần Giờ 11 hồ sơ. Hiện Sở Xây dựng đã trình dự thảo lên UBND TP đề xuất tăng thời gian thí điểm thêm 2 năm, đồng thời cho thí điểm thêm 2 huyện: Bình Chánh và Hóc Môn.
Còn đại diện Sở LĐTB&XH giải thích nguyên nhân các gói hỗ trợ cho người dân đến nay chỉ đạt tỷ lệ dưới 50%, là do một số địa phương thiếu kinh phí. Đối với nhiều gói hỗ trợ khác đến nay đã duyệt chi hơn 15.538 tỷ đồng, cơ bản đã giải ngân xong.
Kết luận hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành được giám sát cần áp dụng chính sách đặc thù trong việc khai thác sử dụng đất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật công nghệ cao; tháo gỡ những thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (xây nhà kho, nhà kính để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao). Đối với Sở Xây dựng, cố gắng trong tháng 10/2022 giải quyết xong vấn đề cho phép người dân sản xuất nông nghiệp được xây công trình phụ trợ trên đất.
Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Cục thuế TP quy định giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10%, để giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vẫn có DN không nằm trong nhóm được hưởng ưu đãi về thuế và lãi suất. Xem xét giảm, giãn thời gian đóng thuế thu nhập DN; giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và giảm lãi suất phạt chậm nộp BHXH cho DN, nhất là trong thời gian phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.