Ngày 19/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương góp ý các đề án chính quyền đô thị TP. Đây là những góp ý quan trọng để TP hoàn thiện các đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định, bản chất của việc thành lập TP Thủ Đức là sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện. TP Thủ Đức sau khi hình thành sẽ tương đương với một huyện nhưng có quy mô và mức độ đô thị hóa lớn hơn.
"Quan điểm của Đề án thành lập thành phố Thủ Đức là có HĐND và UBND. Chúng ta cần thảo luận, đối chiếu với Đề án không tổ chức HĐND cấp quận, huyện bởi về cơ bản, TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện", Bộ trưởng Trần Anh Tuấn yêu cầu.
Toàn cảnh hội nghị góp ý cho các đề án chính quyền đô thị tại UBND TP Hồ Chí Minh sáng nay (19/9). Ảnh Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Không tổ chức hoạt động HĐND ở quận, phường nhưng vẫn thành lập HĐND TP Thủ Đức
Trình bày về dự thảo Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP được tổ chức như sau: Chính quyền TP gồm có HĐND và UBND; chính quyền tại các quận là UBND quận; chính quyền tại các phường là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. HĐND TP thuộc TP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán ngân sách chính quyền địa phương cấp dưới) và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình...; Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình ở phường; giám sát hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường trực thuộc...
UBND TP thuộc TP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn...; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ...
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá, từ thực tiễn đã cho thấy, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, việc thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân vẫn được đảm bảo, trong đó điểm nhấn là đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại hội nghị. Ảnh Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
"TP đã thực hiện thí điểm không lập HĐND cấp quận, phường trong giai đoạn 2009-2016 giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy hành chính và phát huy dân chủ ở cơ sở", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn lại cho rằng, việc lấy ý kiến cho 2 đề án là rất quan trọng để đảm bảo thống nhất các nội dung liên quan và hoàn chỉnh các thiếu sót với mục tiêu chung là giữ vững vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất nước của TP. Đồng thời cần chú trọng đến vai trò đại diện của HĐND, quyền hạn của UBND quận và phường khi không có HĐND thì sẽ như thế nào, chế độ công vụ, tổ chức bộ máy sẽ như thế nào để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đặt vấn đề về việc TP xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường nhưng vẫn thành lập HĐND của TP Thủ Đức thì liệu có sự "vênh" nhau nào không?
Từ những ý kiến trao đổi của các Bộ ngành, các cơ quan Trung ương, các đơn vị của TP, Bộ Nội vụ sẽ cùng UBND TP tổng hợp, hoàn thiện các đề án trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.
TP Thủ Đức là “hạt nhân”
TP Thủ Đức được đánh giá là đô thị có tính chất toàn vẹn.
Về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021, Chủ tịch UBND TP cho hay việc sắp xếp này nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nói chung và TP nói riêng.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính và trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, TP đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập TP Thủ Đức vào Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Trong đó, đơn vị hành chính mới là TP Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. TP Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa.
Bên cạnh đó, việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của thành phố nhằm giúp nơi đây thành "hạt nhân", một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ.
"Rất mong các bộ ngành trung ương khuyến nghị cho TP con đường tốt nhất, ngắn nhất để TP phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước", ông Nguyễn Thành Phong Phong đề nghị.
Ngoài ra, TP cũng đề xuất phân loại TP Thủ Đức là đô thị loại 1. Sau khi hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng, kinh tế, xã hội, TP Thủ Đức sẽ được điều chỉnh đánh giá tương ứng với quy mô, khả năng phát triển.