Chiều 15/10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Hồ Chí Minh cho hay, tính đến 16 giờ cùng ngày (15/10), chi tiền hỗ trợ đợt 3 ở TP thực hiện mới đạt 74%, tương ứng 4,7 triệu người nhận được tiền.
Trong đó, nột số quận đạt tỷ lệ chi trên 90% gồm quận 1, 3, 6, 10 và Phú Nhuận. TP Thủ Đức có 888.000 người khó khăn, đông nhất trong các quận huyện, đạt tỷ lệ chi gần 86%. Một số địa phương tiến độ chi chậm như Bình Chánh mới đạt 46%, Bình Tân gần 51%, quận 8, 12, huyện Hóc Môn trên 60%.
Bộ đội trao qua cho người dân khó khăn vì dịch Covid-19 ở quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Nam
Với hơn 9,3 triệu người đang có mặt trên địa bàn thành phố, các quận, huyện, TP Thủ Đức đã thẩm định và phê duyệt danh sách hơn 6,3 triệu người khó khăn cần giúp đỡ. Khó khăn hiện các địa phương gặp phải là nguồn tiền chi đã hết, trong khi thành phố chưa chuyển kịp.
Theo đó, quận 12 có hơn 609.000 người cần giúp đỡ, nhưng thành phố mới rót về 300 tỷ đồng, đủ chi một nửa danh sách. Quận phải ứng trước 100 tỷ đồng để chi cho người dân nhưng đã hết, số còn lại đang chờ. Tương tự, quận 11 và Gò Vấp cũng phải ứng trước 90 tỷ đồng để kịp giải ngân. Hiện, các địa phương đã đề nghị thành phố sớm cấp kinh phí.
Gói hỗ trợ đợt 3 được TP thông qua hồi cuối tháng 9, với kinh phí 7.300 tỷ đồng, giúp đỡ 7,3 triệu người có hoàn cảnh thực sự khó khăn do Covid-19. Khác những đợt trước, lần hỗ trợ này không tính theo hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận một triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.
Trong đợt hỗ trợ lần 3 này, TP đã triển khai qua ứng dụng App SafeID Delivery do Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phát triển để chi hỗ trợ. QTSC cung cấp tài khoản, tập huấn sử dụng ứng dụng cho chính quyền cơ sở; đồng thời phối hợp hỗ trợ chính quyền rà soát, lọc danh sách người không hưởng lương, thực hiện chi hỗ trợ theo danh sách được phê duyệt thông qua ứng dụng này trên điện thoại.
Cụ thể, mỗi phường, xã, thị trấn được QTSC cấp 1 tài khoản để quản trị, do chủ tịch UBND cấp phường, xã, thị trấn phụ trách theo dõi, chỉ đạo. Còn mỗi quận - huyện, TP Thủ Đức có 2 tài khoản quản trị cấp cho chủ tịch UBND và trưởng phòng LĐTB&XH để theo dõi tiến độ chi trả, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn trong quá trình thực hiện.
Trong ngày đầu thực hiện chi trả, QTSC tổ chức lực lượng kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình chi trả. Nhiều địa phương cũng linh động xử lý cho người dân nhận tiền trước rồi cập vô app sau để người dân được hỗ trợ kịp thời.
Bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh giải thể Ngày 15/10, sau hơn 100 ngày hoạt động, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tuyên bố Bệnh viện dã chiến số 4 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) chính thức hoàn thành sứ mệnh. Theo đó, Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị gần 20.000 bệnh nhân và 53 nhân viên bị phơi nhiễm nCoV. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, TP đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là tiếp nhận, điều trị F0 không có triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ. Sở Y tế TP cho biết, các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12 năm nay. Riêng Bệnh viện dã chiến số 3, số 5 (Thuận Kiều Plaza), số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (An Khánh, TP Thủ Đức) là những cơ sở ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12. |