Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lúc 13h ngày 2-11, tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 800km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11.
Từ đêm nay ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Trong đêm nay và ngày mai, ở vùng biển ngoài khơi phía Nam các tỉnh từ Trà Vinh đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang tiếp tục có mưa dông, gió giật cấp 6-7.
Từ chiều và đêm mai 3-11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động trước diễn biến của bão số 12.
Sở Giao thông vận tải TP, Cảng vụ Hàng hải Thành phố và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1h ngày 3-11 cho đến khi có lệnh mới.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cũng đề nghị Công an TP và các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn gây ra.
ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, hiện các phương án ứng phó với bão số 12 đều đã sẵn sàng. Là xã duy nhất của TP.HCM tiếp giáp với biển, dự báo sẽ chịu tác động lớn nếu bão đổ bộ nên UBND huyện Cần Giờ đã chủ động lên phương án đối phó với cơn bão từ rất sớm.
Theo ông Dũng, trên địa bàn toàn huyện Cần Giờ có 821 phương tiện đánh bắt thủy hải sản. Trong đó có 55 phương tiện đánh bắt xa bờ, 766 phương tiện đánh bắt ven bờ. Hiện nay, hầu hết các phương tiện đều đã về các nơi tránh trú bão an toàn. Chỉ còn 6 phương tiện đánh bắt xa bờ chưa về kịp nhưng đã được cơ quan chức năng thông báo kịp thời tình hình cơn bão để các chủ tàu này tìm nơi tránh trú an toàn.
Hiện gần 1.600 cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng công an, quân đội… trên địa bàn huyện Cần Giờ huyện Cần Giờ được huy động túc trực 24/24 để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Trong đó, 6.000 dân tại xã đảo Thạnh An và và một số hộ dân sống ven sông tuỳ theo diễn biến mức độ ảnh hưởng nặng nhẹ của bão sẽ có phương án sơ tán dân tại chỗ hoặc sơ tán dân vào đất liền để đảm bảo an toàn.
“Cùng với đó, các công trình, trường học, trụ sở UBND kiên cố cùng với các nhu yếu phẩm thiết yếu cũng đã được chuẩn bị để có phương án di dời dân đến tránh trú bão”, ông Dũng cho biết.
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Chủ tịch xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết thêm, để ứng phó với diễn biến của cơn bão, chính quyền địa phương đã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và các phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy, hải sản trên biển. Đến chiều ngày 2-11, đã có 333 tàu thuyền, trong đó có 20 chiếc hoạt động xa bờ vào nơi tránh trú an toàn, 13 chiếc cũng đang trên đường vào bờ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia cố an toàn 16 chòi canh nuôi hàu và cá bè của ngư dân và vận động những người này lập tức vào bờ khi có lệnh. Cùng với đó, các thông tin về tình hình cơn bão được cập nhật thường xuyên trên đài truyền thanh xã, ấp. “Chúng tôi đã huy động 28 tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên để sẵn sàng tham gia sơ tán dân khi tình hình bão diễn biến phức tạp, phải di dời dân về đất liền”, ông Tuấn nhấn mạnh.