Theo đó UBND TP cho biết, thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt chủng Omicron đang chiếm ưu thế.
Dự báo trong thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học.
Do đó, UBND TP yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vaccine đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác…) thì báo ngay cho cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.
Số lượng ca mắc Covid-19 mới ở TP Hồ Chí Minh liên tục tăng cao. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh)
Đồng thời, UBND TP chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, trong khu công nghiệp, trường học theo các quy trình xử lý F0 của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) hướng dẫn.
Ngoài ra, phối hợp tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 "thần tốc hơn nữa", bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
Đặc biệt, UBND TP nhấn mạnh, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ"; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch các đơn vị, tổ chức, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe… trên địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch.
Cuối cùng, UBND TP giao Sở Y tế điều trị toàn diện, phân tầng điều trị. Giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Sở cũng được yêu cầu cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị, trang bị bảo hộ…, đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị.
Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị... cũng là những nội dung sở này được giao.
Và giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế tăng cường truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe.
Trước đó, vào tối ngày 4/3, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo yêu cầu siết chặt hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh ở 13 phường, xã "vùng cam", trong đó các loại hình như bar, vũ trường, karaoke phải đóng cửa.
Phó chủ tịch UBND TP - Dương Anh Đức đánh giá, việc xuất hiện và gia tăng số lượng phường, xã “vùng vàng”, “vùng cam” là điều không ổn, nếu không có biện pháp cải thiện khẩn cấp thì số lượng sẽ tăng hơn nữa. TP đặt mục tiêu 2 tuần tới vượt qua đỉnh dịch, trong đó rất cần sự cố gắng lớn của các địa phương, vai trò phường, xã rất quan trọng.
Nhiều học sinh ở TP Hồ Chí Minh mắc Covid-19 Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 2 tuần (từ ngày 15/2 – 2/3), số ca nghi nhiễm tăng cao trong cơ sở giáo dục. Cụ thể, tổng số ca nghi nhiễm Covid-19 ở học sinh các khối lớp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT là 35.769 trường hợp. Trong đó, nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 17.275 ca, kế đến là THCS với 9.701 ca và THPT là 7.051 ca. Những địa phương có số ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm: quận 1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú và TP Thủ Đức. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua ngành y tế và giáo dục đã phối hợp xử lý, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh kể từ khi học sinh thành phố trở lại học trực tiếp. Tuy nhiên, một số trường hợp còn chưa kịp thời. Trước tình hình số ca mắc, nghi mắc trong trường học gia tăng, nhiều trường đã rất lo lắng và cho dừng các hoạt động căngtin, bán trú. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, việc này cần hết sức cân nhắc bởi theo quan điểm của ngành y tế, vẫn có thể tổ chức bán trú nếu làm chặt chẽ và được giám sát bởi các ngành chuyên môn. |