Theo Luật sư Nguyễn Hải Vân, giao dịch của GrabTaxi không phải là hợp đồng điện tử theo Luật giao dịch điện tử và quy định pháp luật về hợp đồng. Bởi vì, giao dịch của GrabTaxi với khách hàng xét theo Bộ luật dân sự 2015, Điều 116 là giao dịch dân sự.
Cụ thể, trong nội dung hợp đồng phải thể hiện đầy đủ các điều khoản cơ bản của hợp đồng dân sự (quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, điều khoản về giải quyết tranh chấp, đối tượng hợp đồng, chủ thể giao kết, phương thức thanh toán…), địa chỉ email, địa chỉ website, địa chỉ xác định nơi và ngày giờ gửi; chữ ký điện tử của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Đối chiếu quy định pháp luật về hợp đồng với giao dịch do GrabTaxi tổ chức thực hiện cho thấy các giao dịch này không thỏa mãn các điều kiện của hợp đồng.
Cũng theo luật sư Nguyễn Hải Vân, GrabTaxi thực hiện khuyến mại trái luật, bởi theo Điều 101 Luật Thương mại 2005 quy định: Trước khi thực hiện hoạt động thương mại, thương nhân phải đăng ký và sau khi kết thúc hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thông báo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại. Tuy nhiên, GrabTaxi đã vi phạm nghiêm trọng quy định này. Bên cạnh đó, khi kết thúc các chương trình khuyến mại, GrabTaxi chưa thực hiện việc gửi thông báo kết quả thực hiện theo luật định.
Căn cứ vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, thì hoạt động của GrabTaxi không tuân thủ quy định pháp luật về hợp đồng vận tải hành khách.
Luật sư Nguyễn Hải Vân cho hay, Công ty TNHH GrabTaxi đã vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, bằng chứng là cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh liên tục xử phạt vi phạm trong quá trình hoạt động; vi phạm do thực hiện 2 hợp đồng trong một chuyến đi khi GrabTaxi tổ chức dịch vụ GrabShare. Đặc biệt, dù không được thực hiện thí điểm tại các địa phương như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng nhưng GrabTaxi vẫn tiến hành triển khai dịch vụ của mình tại các địa phương này.
Trong khi đó, theo Vinasun, hình thức kinh doanh của GrabTaxi là vận tải hành khách bằng xe taxi, vì hàng loạt chứng cứ pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước đã khẳng định trước đó. Việc GrabTaxi cho rằng, Công ty Grab là một công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải và không phải nhà cung cấp dịch vụ vận tải là hoàn toàn ngụy biện, đánh tráo khái niệm để né tránh các điều kiện kinh doanh theo luật định, né các nghĩa vụ thuế.
Bởi theo Vinasun, GrabTaxi quyết định giá cước vận chuyển; quyết định nội dung các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grabtaxi; chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế đối với hành khách thuê đi xe taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi xe Grabtaxi.
Như vậy cho thấy rõ, thông quá việc sử dụng phần mềm kết nối vận tải, GrabTaxi chính là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển, kiểm soát quy trình vận chuyển hành khác, giá cước, giá khuyến mại.
Dự kiến, sắp tới, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ mở lại phiên tòa liên quan đến vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Taxi).