Theo đó, nước sông Lam dâng cao làm cho nhiều địa phương ở huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương bị ngập nước. Chính quyền các địa phương cùng người dân đã phải thức trắng đêm để canh chừng mực nước lên và vận chuyển tài sản.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng sáng nay cho biết, nước tại các điểm ngập đang rút nhanh, chỉ còn tuyến đường vào các xã Mường Ải, Mường Típ còn bị ngập.
Đã có 8 người chết, nhiều địa phương bị cô lập.
Theo thống kê ban đầu, tỉnh Nghệ An có 5 người bị chết do mưa lũ, tất cả đều ở huyện Kỳ Sơn. Danh tính các nạn nhân được xác định là chị Moong Thị Tân (SN 1981), cháu Cụt Căn Thôn (SN 2007), cháu Lữ Văn Giáp (SN 2004) cùng trú tại xã Chiêu Lưu; cháu Hạ Bào Cu (SN 2008, trú tại xã Tây Sơn); và một thi thể chưa rõ danh tính trôi dạt tại xã Hữu Kiệm.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đã có 17 nhà dân bị sập ( chủ yếu ở huyện Kỳ Sơn, 15 nhà), 1.184 nhà bị ngập (trong đó Quỳ Hợp 529 nhà, Tân Kỳ 342 nhà), 198 hộ dân phải di dời do bị sạt lở và ngập sâu, 2 điểm trường bị ảnh hưởng, ngập.
Hơn 2.386ha lúa cùng nhiều diện tích hoa màu khác bị ngập, 9.394 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết; 597ha diện tích thủy sản bị ngập.
Tổng chiều dài đường giao thông điạ phương bị sạt lở là hơn 17km; 7 cầu tạm bị cuốn trôi, 13 cầu bị ngập; 1,4km đê ngăn mặn bị xói lở, hơn 14km kênh bị hư hỏng, sạt lở.
Tại Sơn La: Theo thống tin nhanh từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La mưa lũ đã làm 2 người chết và mất tích.
Danh tính nạn nhân là: Mùi Thị Uyên (SN 1989, bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân - Vân Hồ) và Vì Văn An (SN 1976, bản Nà Din, xã Ngọc Chiến - Mường La).
Đồng thời gây ngập úng hàng trăm hecta lúa, hoa màu ở huyện Vân Hồ, Thuận Châu. Mưa lớn còn gây sạt lở, ngập lụt và ách tắc giao thông 28 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Ở Thanh Hóa, 1 người bị lũ cuốn tử vong. Riêng huyện Mường Lát, mưa lũ gây sạt lở trục đường 15C và 36 điểm dọc các tuyến đường liên xã, liên huyện; cuốn trôi 2 ngôi nhà, 20 con trâu bò; ngập 6.000 m2 ao cá và 100 ha hoa màu.
Nước ngập tràn vào nhà khiến cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lũ sông Thao tại Phú Thọ, sông Thương, hạ lưu sông Bưởi, sông Chu, sông Mã và sông Cả tiếp tục lên; sông Thao tại Yên Bái, sông Kỳ Cùng tiếp tục xuống.
Đến trưa chiều nay (18/8), lũ hạ lưu sông Bưởi, sông Chu, sông Mã có khả năng đạt đỉnh; mực nước đỉnh lũ trên sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 11,5m, trên BĐ2 0,5m; sông Chu tại Xuân Khánh ở mức 9,0m, mức BĐ1; sông Mã tại Lý Nhân ở mức 11,5m, trên BĐ2 0,50m; tại Giàng ở mức 6,2m, dưới BĐ3 0,3m.
Đến tối nay (18/8), lũ trên sông Thao tại Phú Thọ có khả năng lên mức 17,60m, trên BĐ1 0,10m; lũ sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng đạt đỉnh ở mức 4,80m, trên BĐ1 0,5m.
Đêm nay (18/8), lũ hạ lưu Thao, sông Cả tiếp tục lên. Mực nước sông Thao tại Phú Thọ ở mức 17,8m, trên BĐ1 0,3m; sông Cả tại Dừa ở mức 23,5m, dưới BĐ3 1,0m; tại Nam Đàn ở mức 6,0m, trên BĐ1 0,6m. Lũ trên sông Thao, sông Kỳ Cùng, sông Bưởi và sông Mã tiếp tục xuống. Mực nước sông Bưởi tại Kim Tân xuống mức 10,8m, dưới BĐ2 0,2m; sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 11,0m, mức BĐ2; tại Giàng xuống mức 5,6m, trên BĐ2 0,1m; sông Chu tại Xuân Khánh, sông Thao tại Yên Bái, sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn xuống dưới mức BĐ1.
QL48D đoạn qua xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị ngập nặng khiến giao thông bị chia cắt.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 4 nên trong ngày hôm nay (18/8) ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc và vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An tiếp tục có mưa vừa, mưa to, riêng Sơn La, Hòa Bình, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong đêm nay 18/8, mưa vừa đến mưa to còn tập trung ở các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La). Từ ngày 19/8 mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.
Theo thống kê ban đầu, mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4 đã làm 8 người chết, nhiều diện tích lúa, hoa màu và nhà dân bị nhấn chìm, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở đất đá hoặc bị ngập lụt.