Làm rõ nguồn gốc sản xuất
Trên vỏ hộp thuốc đặt Viêm Âm tán Hoàng cung ghi địa chỉ sản xuất tại Tây Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình. Còn trên vỏ hộp thuốc xông rửa ghi Công ty TNHH Đông Nam dược Hoàng Anh, có địa chỉ tại số B10, ngõ 26, Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Hà Nội. Nhưng khi tới liên hệ với công ty thì được biết, địa chỉ trên chỉ là văn phòng đăng kí, còn thực tế công ty lại đặt ở... chỗ khác (?).
Trao đổi với báo chí, bà Đinh Thị Bảy - Phó giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết, về sản phẩm thuốc Âm tán Hoàng cung, Sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của Thanh tra Bộ Y tế giao Sở Y tế Ninh Bình về việc làm rõ nơi sản xuất của sản phẩm này.
Thuốc đặt Viêm âm tán Hoàng cung địa chỉ sản xuất ghi tại Tây Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình nhưng thực tế không có. |
Nhưng, khi Sở Y tế Ninh Bình cho người tiến hành kiểm tra, xác minh tại Tam Điệp (Ninh Bình) thì không tìm thấy cơ sở nào sản xuất loại thuốc này như trên nhãn mác của thuốc ghi: “Sau khi có kết quả xác minh thì chúng tôi cũng đã báo cáo cho Thanh tra Bộ Y tế để có phương án xử lý” - bà Bảy cho biết.
Làm việc với báo chí, đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế cho biết: “Về bài thuốc gia truyền, theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT năm 2007, việc ban hành quy chế xét duyệt cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền thì ủy quyền cho Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xét duyệt và cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” theo đúng Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định này. Còn trên bao bì sản phẩm của thuốc Âm tán Hoàng cung không thấy in số giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền và việc lưu hành bài thuốc gia truyền phải báo cáo, đăng ký tại Sở Y tế. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền sẽ có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra cơ sở này”.
Theo tìm hiểu được biết, căn cứ thông tin đăng tải trên trang web của Cục Quản lý Dược thì sản phẩm Viêm Âm tán Hoàng cung chưa được Cục Quản lý Dược cấp phép lưu hành. Về nhãn hiệu sản phẩm cũng chưa đúng với quy định của Thông tư số 06/2016/TT-BYT ngày 08/3/2016 của Bộ Y tế Quy định ghi nhãn thuốc.
Thuốc xông rửa ghi tên công ty trên vỏ thuốc |
Thận trọng khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc
Có lẽ thời đại công nghệ thông tin cho nên việc khám chữa bệnh trên quan điểm của nhiều người cũng nên bắt kịp xu thế này. Chẳng thế mà mặc cho Viêm Âm tán Hoàng Cung không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ nhãn mác nhưng vẫn có không ít người nhẹ dạ cả tin và đã mua về để sử dụng khi mới chỉ “thăm khám” qua “tưởng tượng” trên điện thoại.
Trao đổi với báo chí, Lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đã khuyên: "Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện Đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc".
Lương y Hướng cũng cho biết: Người bệnh nên cận thận và suy nghĩ kĩ trước khi chọn phương pháp trị bệnh cho bản thân, bởi Đông dược là loại thuốc thông thường sẽ có tác dụng chậm, nhưng nếu nếu trộn thêm các chất tân dược thì sẽ có hiệu quả nhanh. ban đầu khi sử dụng người bệnh sẽ thấy bệnh giảm nhanh, nhưng sau một thời gian thì sẽ có nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Hiện vẫn chưa rõ những thứ thuốc này có thực sự trị được mọi loại bệnh mà người bán quảng cáo hay không, nhưng người tiêu dùng nên tỉnh táo, không nên mua và sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thuốc mua qua mạng nhưng không có địa chỉ sản xuất hay người bán tránh “tiền mất tật mang”.