Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục. |
Để tìm giải pháp để phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu, mới đây tại TP Hồ Chí Minh, trường Đại học Văn Hiến phối hợp với trường Đại học Thủ Dầu Một đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực KHXH&NV trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.
Hội thảo đã tìm hiểu vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực KHXH&NV trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cũng như đóng góp các giải pháp nhất định cho những vấn đề liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực KHXH&NV.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong một năm có khoảng 350 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng với hơn 2.500 đầu việc cho nhóm ngành KHXH&NV.
Có chuyên gia cho rằng như vậy nhu cầu tuyển dụng là khá cao. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành KHXH&NV không chỉ từ các nhóm ngành dịch vụ mà còn ở nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế.
GS. TS Ngô Văn Lệ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh thảo luận tại hội thảo. |
Tuy nhiên, theo bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc Dịch vụ tìm kiếm và tuyển dụng (Công ty cổ phần Le&A), nhu cầu tuyển dụng thật sự với ngành này hiện rất nhỏ giọt. Nguyên nhân là các doanh nghiệp theo hướng tối ưu hóa các vị trí cần nhân sự có chuyên môn rõ ràng. Trong khi ngành KHXH&NV lại đào tạo kiến thức chung chung, khó áp dụng trong thực tế quản trị tại doanh nghiệp.
Còn theo TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả một cuộc khảo sát các sinh viên đang theo học năm thứ 4, thứ 5 khối KHXH&NV tại một số trường ở Hà Nội, cho thấy: Chưa đầy 30% sinh viên rõ về công việc mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp, 70% còn lại chưa hề có ý niệm công việc tương lai. Nhiều sinh viên còn không biết học để làm gì và sau này những kiến thức được học áp dụng vào lĩnh vực nào.
“Tư duy của một số nhà quản lý luôn xem khoa học xã hội chỉ là bình hoa trang trí, là hình thức của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế khoa học xã hội là để phục vụ cho con người, cuộc sống chứ không phục vụ cho nền kinh tế thị trường. Nó đóng góp rất lớn cho xã hội, tác động sâu rộng và thay đổi toàn bộ nền kinh tế - xã hội giúp đất nước đổi mới”, GS.TS Đặng Nguyên Anh – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài viết của các giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và đã chọn được 32 bài viết để đưa vào kỷ yếu đề cập tới nhiều vấn đề trong nghiên cứu, đào tạo và quản lý trong lĩnh vực KHXH&NV trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế - xã hội và hội phập toàn cầu hiện nay.