|
Ảnh: Phạm Hùng |
Nhiều đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ cần làm rõ những nghi ngại xung quanh việc độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trước đó Nghị quyết 88 của Quốc hội từng nêu, một chương trình có nhiều bộ SGK, nhưng thực tiễn có như vậy?
Trước đây in bài tập riêng, in sách giáo khoa riêng. Bây giờ, đơn cử ngay như Toán lớp 1 được tích hợp chung với sách giáo khoa (SGK). Học sinh làm bài tập, nối hình rồi kẻ thêm hình và ghi bài tập vào trong đó. Như thế đương nhiên là khóa sau không dùng được.
Rất nhiều phụ huynh muốn được giải thích lý do tại sao mỗi một năm in khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng (thực ra là hơn thế) chi để mua, nhưng đến năm sau lại không dùng được nữa? Tại sao cứ phải ghi bài tập luôn trong SGK?... Còn rất nhiều những thắc mắc của người dân cần công khai lộ trình để mọi người biết Bộ GD&ĐT đang giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Được biết Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh, thiếu, niên nhi đồng của Quốc hội đang giám sát về vấn đề xuất bản SGK và cuối năm nay sẽ công bố kết quả... Như vậy là đã có một chút hy vọng sẽ sáng tỏ. Đây là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là thông tin mới đây nhất vừa được tung ra khiến người dân càng thêm bức xúc. Đó là thông tin, năm 2017, lợi nhuận của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã tăng vọt gấp hơn 2 lần so với năm 2016, đạt trên 150 tỷ đồng. Theo thông tin này thì thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên tại đây đạt trên 20 triệu đồng/tháng…
Có rất nhiều lý giải về những con số này, tuy nhiên có thể thấy, việc kinh doanh sách được độc quyền xuất bản và phát hành theo ngành dọc đã đến lúc cần có một cơ chế kiểm soát khác mà không thể để NXB tự tung tự tác. Chúng ta khuyến khích các NXB làm ăn tốt, năng động để có lãi cao và người làm sách có quyền được đãi ngộ thích đáng.
Nhưng đó là sách được bạn đọc mua tự nguyện. Có một điều cũng nên bàn thêm, chúng ta đang phấn đấu miễn thu học phí trường công, vậy thì tại sao không phấn đấu giảm giá thành và hạn chế lãi từ nguồn thu in SGK; xem nó như một lĩnh vực công ích thì có phải mọi gia đình sẽ được nhờ dù con em họ học trường công hay trường tư.
Tại cuộc họp báo ngày 21/9 vừa qua, để giải trình vấn đề SGK hiện hành có như dư luận râm ran bàn luận không, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam đã viện dẫn Báo cáo Kiểm toán tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục trong các năm từ 2015 - 2017, mỗi năm đơn vị này lỗ khoảng 40 tỷ đồng từ việc làm SGK. Nguyên nhân vì giá sách không tăng mà giá giấy tăng cao.
Đề cập đến chuyện SGK in ra chỉ dùng 1 lần, đại diện NXB Giáo dục giải thích, chủ trương của ngành giáo dục vẫn là dùng sách nhiều lần và để tránh trường hợp học sinh điền trực tiếp vào SGK. Mỗi năm, nhu cầu in sách phải là 170 triệu cuốn. Trong số này NXB Giáo dục chỉ in có 110 triệu cuốn là do đã có dùng lại. Số sách để trống và điền thêm chỉ là sách cấp tiểu học... Vậy thì có gì vênh nhau ở đây sao?
Những lý giải này càng khiến dư luận lại đặt thêm câu hỏi, vậy ai là người giúp họ tạo nên nguồn lợi nhuận để chi trả lương với mức thu nhập cao như vậy so với mặt bằng chung của xã hội và của những người làm sách ở mọi NXB khác. Những câu hỏi này của người dân rất mong được ngành giáo dục sớm trả lời trong thời gian tới.