Áp lực đến sớm
Còn cách kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cả tuần, áp lực gia tăng đột biến lượng hành khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay đã hiện rõ. Hàng không, đường sắt “cháy vé”; hầu hết các DN vận tải hành khách (VTHK) bằng xe ô tô đều đăng ký xe dự phòng, tăng chuyến, lượt.
Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đã tổ chức thêm 50 đoàn tàu tăng cường cho dịp này. Trong khi đó nhiều đường bay nội địa đang dần cạn vé. Các hãng hàng không dự kiến tăng thêm chuyến đi vào những khung giờ tối muộn để phục vụ hành khách.
Hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Công Hùng
Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng nhận định, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thường là dịp khai trương mùa du lịch trong năm. Chính phủ đã có chủ trương dần mở cửa du lịch trở lại nên nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp nghỉ lễ này sẽ tăng mạnh, lưu lượng hành khách sẽ phân bố không đồng đều mà tập trung vào một số địa phương, đặc biệt những địa phương có điểm thăm quan, du lịch.
Theo lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội, một số tuyến dự kiến có lượng hành khách tăng mạnh như Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La… Lưu lượng hành khách bắt đầu tăng cao từ chiều tối ngày 29 đến hết ngày 30/4.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đã dự phòng tăng cường hơn 500 lượt xe, tập trung trên những tuyến ngắn lân cận Hà Nội và tuyến đi một số tỉnh có điểm du lịch, tham quan.
Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết, đơn vị đã tổng hợp, báo cáo Sở GTVT đề xuất cho dự phòng 50 lượt xe trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. “Tất cả các DN vận tải của Hà Nội đều cam kết không tăng giá vé. Còn những DN do địa phương đối lưu quản lý, nếu có tăng giá sẽ phải niêm yết đầy đủ, rõ ràng tại bến để hành khách được biết” - ông Trịnh Hoài Lam thông tin.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị VTHK không tăng giá vé, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất nhằm phục vụ hành khách đi lại. Trong các ngày 29, 30/4 và 3, 4/5 lượng hành khách tại các bến xe chắc chắn tăng mạnh, có thời điểm khả năng sẽ quá tải. Sở đã yêu cầu các bến xe, đơn vị VTHK phải đảm bảo đủ phương tiện, không để người dân chờ đợi quá lâu hoặc không lên được xe.
Tăng cường xử lý vi phạm
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi lại tăng cao, các hiện tượng nhồi nhét, thu quá giá, rà rê, dừng đỗ trên đường của xe khách liên tỉnh lại có nguy cơ tăng cao. “Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cùng với đó, sẽ ráo riết kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng camera giám sát trên xe khách tại các bến” - đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho hay.
Theo kế hoạch, 100% lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT sẽ tổ chức chốt trực, tuần tra kiểm soát, thực hiện hai nhiệm vụ chính là phân luồng, chống ùn tắc giao thông và xử lý vi phạm. Theo nhận định của lực lượng chức năng, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này sẽ là thách thức lớn hơn cùng kỳ mọi năm rất nhiều do “bùng nổ” các chuyến đi của người dân. Cửa ngõ Hà Nội và các TP đều có thể rơi vào ùn tắc cục bộ.
Nhiều đơn vị vận tải bày tỏ lo ngại tình trạng ùn tắc trên các tuyến cao tốc do “trục trặc kỹ thuật” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng luân chuyển xe giữa những điểm đi - đến. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng kiến nghị Bộ GTVT, Cục CSGT và các địa phương cần có biện pháp mạnh mẽ, yêu cầu trạm thu phí BOT phải xả trạm khi có ùn tắc.
“Nếu không xả trạm, các xe về bến không kịp sẽ gây ùn tắc từ cao tốc đến cửa ngõ, vào tận sân bến, gây mệt mỏi, bức xúc cho người dân” - ông Đỗ Văn Bằng nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng: “Sau hai năm chững lại vì dịch bệnh Covid-19, đây là dịp để các DN vận tải hồi phục. Đồng thời cũng là dịp để “ghi điểm” với hành khách trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với xe khách trá hình. Các DN vận tải cần tận dụng tốt cơ hội này, quảng bá chất lượng và thương hiệu của mình”.