Dân gian ta có câu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, đây là quan niệm của người Việt xưa với mong muốn được may mắn và no đủ sẽ đến với gia đình trong năm mới.
Ngay từ sáng mồng 1 Tết, nhiều người đã đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa. Hầu hết mọi người đều háo hức mua một vài đồng muối lấy may cho cả năm, và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ.
Trong đời sống hàng ngày, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.
Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn.
Muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.
Cũng có người quan niệm rằng hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết, ấy cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp. Hạt muối tuy nhỏ nhoi, ít giá trị kinh tế nhưng mang trong mình ý nghĩa văn hóa phi vật thể thiêng liêng. Bởi lẽ, trong những thứ mặn mà, chẳng có gì sánh được bằng…muối, mà mối quan hệ tình cảm nào cũng cần có sự quan tâm, mặn mà như thế.
Ngoài ra, người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà. Sở dĩ, câu nói này có ý nghĩa như vậy bởi, đối với người Bắc Bộ, “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là 3 việc quan trọng nhất của đời người.
Cũng vì tâm lý mua lấy sự may mắn, nên nhiều người còn cẩn thận dặn người bán hàng quen là đúng giờ ấy, ngày ấy nhớ mang muối đến bán, tuyệt đối không để lỡ hẹn vì sợ dông.
Người ta thường mua muối vào sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, khi mua nên chú ý mua một bát đầy có ngọn và trả tiền tương ứng một hai cân để cầu may. Điều đặc biệt ở đây là muối bao giờ cũng đong có ngọn, chứ không gạt miệng sợ về sẽ mất lộc, mất mặn mà.
Sau khi mang muối về nhà, người ta có thể chia ra thành từng túi nilon nhỏ hay túi vải, phong bao lì xì... vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ. Người làm kinh doanh buôn bán có thể đặt túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc, đi du lịch xa cũng đặt túi muối trong vali để lộ trình được bình an.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!