Chiều 2/4, ông Bùi Minh Bình, hiệu trưởng THPT Long Thới cho biết, nhà trường đang cho cô Trần Thị Minh Châu làm bản kiểm điểm trước khi thành lập hội đồng kỷ luật. Cô Châu là giáo viên môn Toán phụ trách lớp 11A1, không giảng bài mà chỉ ghi lên bảng gần 4 tháng.
Cô giáo Trần Thị Minh Châu và lớp học cô im lặng suốt 4 tháng
Theo ông Bình, việc xem xét hình thức kỷ luật cô Châu sẽ được thực hiện theo các bước như quy định của luật về viên chức. Quan điểm của trường là làm nghiêm túc, đúng pháp luật.
Trong cuộc họp giao ban đầu tuần sáng nay, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các bộ phận liên quan xem xét mức kỷ luật cô Châu trên cơ sở mức độ vi phạm. Quan điểm của sở là xử lý nghiêm trường hợp này trên cơ sở thận trọng, từng bước, căn cứ trên mức độ vi phạm.
Theo ông Hoàng, trước đây cô Châu từng bị kỷ luật cảnh cáo, theo quy định của ngành sau hình thức này là đến hình thức đuổi việc. Vì thế quy trình xử lý phải hết sức thận trọng, nghiêm minh, không để trường hợp cô Châu làm ảnh hưởng uy tín của ngành giáo dục.
"Đây là giai đoạn học sinh cũng đang thi học kỳ. Vì thế ngành GD-ĐT cũng đã hết sức cân nhắc, thận trọng. Tất cả vì học sinh, không để các em bị xáo trộn tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình học tập" - ông Hoàng nói.
Trước đó, tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, em Phạm Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới đã phản ánh về cô giáo dạy Toán lên lớp chỉ chép bài, không nói chuyện, không giao tiếp... Cả một học kỳ các em phải tự học bài, tự làm bài... không khí lớp học cực kỳ nặng nề. Theo đánh giá của em, cô giáo thể hiện khá quyền lực, bản thân em và nhiều học sinh khác đều sợ hãi.
Sự việc được xác minh là có thật và cô giáo "im lặng không nói" là cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên dạy Toán.
Trao đổi với báo chí, nữ giáo viên nhận mình đã sai và cảm thấy hối tiếc vì sự việc này. Tuy nhiên, cô cho biết: "Chuyện tôi chép bài trên bảng là có, nhưng nói tôi không giảng bài trong một học kỳ là không đúng. Chuyện này chỉ diễn ra từ sau Tết tới nay".
Sau sự việc trên, nhiều nhà giáo và các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc im lặng khi lên lớp của cô Châu là một hình thức bạo lực tinh thần học sinh, phương pháp giáo dục phản sư phạm.