Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố chỉ có 11 trường quốc tế, đây là những trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh).
Ảnh minh họa.
Sau vụ việc một học sinh lớp 1 tử vong trên xe bus của trường gắn mác "quốc tế" xảy ra ngày 6/8, ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội ra thông báo sẽ công khai danh tính các trường quốc tế mạo danh trên địa bàn, đồng thời thanh tra và xử lý các trường gắn mác quốc tế thì nhiều trường đã lặng lẽ xoá sạch mác quốc tế. Cụ thể trên website, trường Gateway thay đổi tên từ "Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway" sang "Trường Tiểu học & THCS Gateway". Ngoài ra một số trường khác cũng có nhiều hành động tương tự để xoá bỏ chữ quốc tế trước đó.
Trong danh sách chính thức không hề có tên trường Gateway và nhiều trường có học phí trăm triệu khác. Theo đó 11 trường quốc tế gồm có:
1. Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia;
2. Trường quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội;
3. Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi;
4. Trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon tại thành phố Hà Nội;
5. Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế Singapore;
6. Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens;
7. Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra;
8. Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc;
9. Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông quốc tế St.Paul;
10. Trường mầm non và phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội;
11. Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.
Ngoài ra, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn có 25 trường dạy một phần chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp. Trong số đó, có nhiều trường không có danh xưng “quốc tế”, như: Trường trung học phổ thông Chu Văn An, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam...