UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký kết với tập đoàn Hoa Sen để xây dựng “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” thống nhất hợp tác triển khai đầu tư xây dựng siêu tổ hợp dự án tại Khu công nghiệp Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.Trong đó, siêu dự án thép có tổng vốn đầu tư 10,6 tỉ USD của tập đoàn Hoa Sen công bố có thể có công suất tối đa lên tới 16 triệu tấn/năm, cho đến nay là dự án thép do doanh nghiệp nội địa đứng tên lớn nhất Việt Nam.
Vùng của văn hóa và du lịch
Cà Ná là một xã mới lập vào ngày 10.6.2009 do từ 5 thôn tách ra của xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cà Ná phía Đông giáp xã Phước Diêm, phía Bắc giáp xã Phước Minh, phía Tây giáp huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận),phía Nam giáp biển Đông.
Biển Cà Ná nhìn toàn cảnh. Ảnh Nguyễn Đức Thạch |
Vùng đất này được biết đến như là một thiên đường du lịch còn hoang sơ, có rừng núi “chống lưng” nhìn ra biển xanh, cát trắng, nắng gió quanh năm. Cà Ná cũng được biết đến như là một nơi chuyên đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và sản xuất muối, nước mắm.
Nói về điều này, nhà báo Trần Vương Thuấn (tạp chí Thế Giới Số)- cũng là một người dân Ninh Thuận nhận xét: “Khi cơn bão ô nhiễm biển vừa qua, Ninh Thuận đã may mắn thoát khỏi tầm tàn phá. Phần lớn vì Ninh Thuận ở cách xa trung tâm ô nhiễm và các giống cá ưu thế ở ngư trường này nằm ở tầng mặt.
Tôi đã vui vì được thở không khí của chợ cá xôn xao lúc thuyền về ngay trong những ngày người tiêu dùng nhiều nơi từ chối cá. Tôi đã vui vì các ánh đèn soi trên biển vẫn đêm đêm chiếu sáng phía khơi, khi nhìn từ bờ vịnh Ninh Chử. Tôi vui vì những lò cá hấp, những nhà thùng muối cá ở Cà Ná vẫn còn khói tỏa lên, vẫn còn những giọt mắm nhĩ xuống. Điều đó chứng tỏ ngư dân vẫn có thể sống bằng nghề của mình nếu giữ sạch biển, đảm bảo nguồn lợi. Điều đó chứng tỏ người dùng vẫn còn tin vào sản phẩm những vùng biển còn chưa bị công nghiệp bức tử.
Đó là một cuộc sống nhờ vào và trả lại, nuôi dưỡng thiên nhiên, cuộc sống không phải phụ thuộc vào sự ban phát của bất cứ ông trùm, ông bầu nào cả”.
Và tại sao lại là thép Cà Ná?
Về việc đầu tư thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen trả lời báo chí vào ngày 28.8.2016 bằng những câu chung chung như “Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam hội nhập tốt như bây giờ…”, “Thời cơ dân số vàng còn 20 năm nữa…”, “Tôi và các doanh nhân khác tin tưởng vào chính phủ mới…”
Ông Lê Phước Vũ. |
Đại gia này khẳng định: “Cách đây 20 năm tôi đã tạo ra tập đoàn Hoa Sen từ 100USD. Nay tôi đã đủ kinh nghiệm, đủ kiến thức và đủ bản lĩnh để tập đoàn Hoa Sen đạt được dự án này!”. Ông Vũ cũng nói thêm rằng việc tăng trưởng xuất khẩu thép sang nhiều quốc gia và nhu cầu sử dụng thép trong 20 năm tới của Việt Nam sẽ tăng cao trong khi nhập khẩu thép hiện nay ở dạng nhập siêu…
Nhưng đây chưa phải là lý do chính để tập đoàn Hoa Sen chọn Cà Ná làm nơi triển khai dự án. Tập đoàn này đã khảo sát 1 năm tại Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định và Ninh Thuận để rồi chọn Cà Ná. Ông Lê Phước Vũ cho biết nếu đầu tư ngay thì sẽ chọn Dung Quất thay vì Cà Ná và chỉ cần xây cảng là có thể làm ngay. Nhưng Cà Ná có cảng nước sâu 20m tự nhiên, không bị bồi lắng và quan trọng là nơi đây hàng trăm năm qua không có bão.
Ông Vũ khẳng định Cà Ná gần TP.HCM, có vị trí giao thông tốt nhất khi có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng nước sâu. “Nếu nhìn trước mắt là Dung Quất còn nhìn dài hạn là Ninh Thuận! Cà Ná không chỉ làm thép tốt nhất Việt Nam mà còn tốt hàng đầu khu vực và thế giới”- ông Vũ nói.