Người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy, xe đạp điện không đội mũ, hoặc đội bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách sẽ có mức phạt từ 400.000-600.000 đồng. Ảnh: Internet
Tăng mức xử phạt với xe máy
Người đi mô tô, xe máy không đội mũ, hoặc đội bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách với, dự thảo đề xuất nâng mức phạt từ 200.000-400.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng. Mức phạt này cũng được đề xuất với người đi xe đạp máy, xe đạp điện.
Dự thảo tăng mức xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng lên 1-2 triệu đồng với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xilanh dưới 175cm3 không có bằng lái xe hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bằng lái bị tẩy xóa. Người điều khiển xe máy có dung tích xilanh trên 175cm3, không có bằng lái xe hoặc sử dụng bằng lái hết hạn, tăng mức phạt lên 4-5 triệu đồng
Người đua mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép mức xử phạt theo dự thảo là 10-15 triệu đồng (hiện nay là 7-8 triệu đồng). Nếu đua ô tô, mức phạt là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng).
Hành vi ô tô chở quá tải sẽ có mức phạt lên đến 50 triệu đồng. Ảnh: Internet
Phạt nặng với ô tô
Với hành vi ô tô chở quá tải, dự thảo nghị định quy định 3 mức vi phạm chở quá tải từ 10-20%, 20-50% và trên 50%. Theo đó, vi phạm chở quá tải từ trên 10% đến 20%, mức phạt 2-3 triệu đồng sẽ tăng lên 4-6 triệu đồng. Chở quá tải từ trên 20% đến 50%, phạt 13-15 triệu đồng; chở quá tải trên 50% phạt 40-50 triệu đồng. Nếu tài xế vi phạm mức cao nhất, theo dự thảo số tiền phạt nếu tính cả hình phạt đối với chủ xe thì mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng.
Hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc mức phạt đề xuất nâng từ 6-8 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng.
Nếu nghị định 100 chỉ quy định phạt người để giấy phép lái ôtô quá hạn 6 tháng với mức 4-6 triệu đồng. Dự thảo đề xuất chia thành 2 mức: bằng lái quá hạn dưới 3 tháng phạt 5-7 triệu đồng; để quá hạn từ 3 tháng trở lên phạt 10-12 triệu đồng. Tài xế không có bằng lái, hoặc bằng lái không do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng bị phạt mức này.
Trường hợp xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc) trước đây mức phạt là 800.000-1 triệu đồng thì nay được đề xuất phạt 4-6 triệu đồng.
Dự thảo quy định mức phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện là 1-2 triệu đồng) và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện là 2-4 triệu đồng) có hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Mức phạt từ 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức sản xuất biển số trái phép.
Dự thảo tăng mức xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng lên 1-2 triệu đồng với người điều khiển mô tô hai bánh có dung tích xilanh dưới 175cm3 không có bằng lái xe. Ảnh: thukyluat
Điều chỉnh thẩm quyền xử phạt
Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt lên đến 2,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp huyện được quyền xử phạt lên đến 15 triệu đồng và giám đốc công an cấp tỉnh có quyền xử phạt lên đến 37,5 triệu đồng.
Cục trưởng CSGT, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng có quyền phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tiền đối với lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt là 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tối đa 37,5 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh được ra quyết định xử phạt tối đa 75 triệu đồng.