Ông Nguyễn Như Huỳnh dùng thuốc diệt côn trùng phun lên bọ đậu đen (Ảnh: Zing) |
Côn trùng xuất hiện, bay vào nhà dân ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... làm tổ diễn ra từ đầu mùa mưa. Theo thống kê có hàng trăm hộ dân ở các địa phương trên bị ảnh hưởng bởi loại bọ cánh cứng này.
Theo người dân, bọ đậu đen di chuyển theo đàn và bay vào nhà vào ban đêm. “22 giờ ngày 30/5, khi cả gia đình đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng động như mưa đá trút lên mái tôn. Lúc dậy mở cửa thì bọ đậu đen ùa vào trong, bám lên giường, chăn nệm, quần áo. Tôi đóng cửa thì chúng chui qua lỗ thông gió để vào. Trong khoảng 10 phút, loài côn trùng tạo thành lớp 'thảm' màu đen ở nền nhà. Chúng bò lúc nhúc khắp nơi”, ông Nguyễn Hoàng Trung (Đồng Nai) cho biết.
Ông Nguyễn Như Huỳnh (ngụ Thống Nhất - Đồng Nai) cho biết, cuộc sống của gia đình đang bị đảo lộn. Từ giữa tháng 5, căn nhà rộng gần 100 m2 của người này trở thành nơi làm tổ của bọ cánh cứng. Ông nói: “Chúng chui rúc khắp nơi và phát ra mùi hôi nồng. Tiếp xúc với loài này, tôi luôn có cảm giác buồn nôn và cay mắt”.
Cũng theo ông Huỳnh, gia đình sử dụng nhiều loại thuốc diệt trừ côn trùng để tiêu diệt nhưng không có kết quả. Người đàn ông này phải chuyển toàn bộ vật dụng ra ngoài và chọn khoảng không gian gần chuồng heo để lánh nạn.
Bọ đậu đen “tấn công” nhà dân ở xã Hưng Phước (Ảnh: Nongnghiep.vn) |
Ông Trần Xuân Ngọc, ở ấp 3, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp (Bình Phước) cho biết, bọ đậu đen xuất hiện từ đầu tháng 5 đến nay. Mỗi ngày ông phải quét, gom vài lần. Bất kể nơi nào trong nhà, từ tường nhà, gầm giường, tủ quần áo, nhà bếp và các vật dụng khác trong nhà… đều là nơi chúng thích cư ngụ, bám thành lớp dày đến 10cm, không còn 1 kẽ hở. Bình quân mỗi ngày ông gom khoảng 2 tạ bọ đậu đen mang đi đốt. "Ăn cơm trời nắng còn đỡ, chứ mưa thì đúng là khốn khổ, bọ rơi ồ ạt từ trên mái nhà xuống khắp nơi. Chuyện nhai trúng bọ đậu đen là bình thường”, ông Ngọc nói....
Người dân thu hàng tạ bọ đậu đen |
Theo thông tin sơ bộ từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bù Đốp, hiện có khoảng hơn 50 hộ dân bị bọ đậu đen tấn công. Đã có một số trẻ em bị bọ đậu đen chui vào tai, phải đến trung tâm y tế gắp ra và sát trùng. Một số người có da mẫn cảm cũng bị dị ứng, nổi ngứa khi tiếp xúc trực tiếp với loài bọ này.
Kỹ sư nông học Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Đồng Nai) cho biết, bọ đậu đen bắt đầu xuất hiện ở Đồng Nai từ năm 2003. Đến năm 2013 thì bùng phát với mật độ cao ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Cẩm Mỹ của tỉnh.
Theo kỹ sư Sinh, các chuyên gia chưa ghi nhận loài côn trùng cánh cứng này gây hại trên cây trồng. Chúng cũng không chủ động tấn công con người, không cắn phá vật dụng nhưng lại tiết ra chất gây cay mắt, có mùi hôi khó chịu.
“Ngành nông nghiệp đang phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi, tìm cách diệt trừ. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên xua đuổi bọ đậu đen bằng phương thức xông khói và thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa. Không nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe”, ông Sinh nói.
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cũng xác nhận loài côn trùng này không gây bệnh cho người. Ông nói: “Năm 2015, chúng tôi phối hợp Viện sốt rét, ký sinh trùng Trung ương ghi nhận thực tế, tìm cách diệt nhưng bất thành. Hiện tại, các loại thuốc được cấp cho ngành y không thể phát huy tác dụng trong phòng trừ bọ đậu đen”. Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân thu gom côn trùng sau đó thiêu hủy hoặc đem chôn.
Bọ đậu đen (hay mọt đậu đen) có tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc bộ Coleoptera, họ Tenebrionidae. Đây là loài côn trùng cánh cứng, di chuyển nhanh, có hình dáng giống hạt đậu đen. Loài bọ này sống trong đất ở những nơi có vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái, không gây hại cho thực vật. Chúng có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao, có mùi hôi gây khó chịu cho con người. |