Nông dân Quỳnh Lưu nhổ bỏ su hào vứt lên bờ - Ảnh: Lê Nhung. |
Quỳnh Bảng là xã có diện tích sản xuất rau lớn của huyện Quỳnh Lưu với hơn 200 ha. Thời điểm này, giá rau xuống quá thấp, bà con không tiêu thụ được. Cũng vì rau ế ẩm mà những thửa ruộng trồng rau cải bạch khẩu xanh nõn, nhưng bà con đành ngậm ngùi bỏ mặc không thu hoạch, để rau lụi tàn đi vì giá bán sau thu hoạch không đủ tiền thuê nhân công.
Trên ruộng rau cải bạch khẩu hơn 1 sào mà nếu như các vụ trước sẽ cho lãi khoảng 5 triệu đồng, nay, chị Nguyễn Thị Tư ở xóm Đồng Văn, Quỳnh Bảng đành nhổ bỏ để làm rau vụ mới. Trong khi đó, bà con cũng thu hoạch súp lơ, su hào để vứt bỏ tiếp tục quay vòng đất làm vụ khác.
Nhiều ruộng rau cải bà con không buồn thu hoạch, hầu hết đều đã trở nên già héo - Ảnh: Lê Nhung. |
Còn giá các loại rau khác cũng rẻ bèo: Xà lách 2.000 đồng/kg, cà chua 3.000 đồng/kg, cải bắp 1.500 đồng/kg… Ông Hồ Diên An – một hộ trồng rau ở xã Quỳnh Minh cho biết: "Các năm trước thì Tết là dịp giá rau lên cao vì nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh nên gia đình tôi đã trồng hơn 1 sào súp lơ với 2.500 gốc, dự kiến sẽ cho thu nhập gần chục triệu đồng. Nhưng năm nay, giá súp lơ nhập tại ruộng cũng chỉ được 1.000 đồng/cây. Gia đình gắng đợi đến sau Tết mới thu hoạch để bán vì hy vọng giá tăng, nhưng ngờ đâu vẫn thế"...
Ông Hồ Diên An chua xót chia sẻ thêm, từ năm ngoái đến giờ giá rau rẻ bèo, trong khi đó, vật tư đầu vào tất cả đều tăng, người trồng rau gặp rất nhiều khó khăn.
Một số hộ tiếp tục quay vòng sản xuất với hi vọng cứu lại đồng vốn - Ảnh: Lê Nhung. |
Với hơn 700 ha chuyên canh trồng rau màu, mỗi năm, vùng Bãi Ngang huyện Quỳnh Lưu đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng từ các sản phẩm rau xanh. Thời gian qua, để nâng cao giá trị và tạo thương hiệu rau sạch, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng các vùng sản xuất rau VietGAP, rau an toàn…
Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là khi bà con đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất thì rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho bà con yên tâm bám đồng sản xuất.