Ngày 14/9, tại cuộc Hội thảo Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Nông nghiệp chiếm chưa đến 1% trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa TP Hồ Chí Minh, thu hút 1 triệu người tham gia. Tuy nhiên, đánh giá nông nghiệp của TP không phải dựa vào giá trị mà cần xem sự phát triển nông nghiệp đóng góp vào sự phát triển của vùng Đông và Tây Nam Bộ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. |
Người đứng đầu Thành ủy cũng cho rằng nông nghiệp TP Hồ Chí Minh phải gắn với nghiên cứu khoa học là đặc thù, và cần coi sản xuất giống trở thành một ngành mũi nhọn của nền nông nghiệp TP.
Để trở thành Trung tâm giống cây của vùng, ngành nông nghiệp phải thể hiện cụ thể thông qua thị phần cung ứng giống cho các tỉnh phía Nam. Ví dụ, đối với giống rau, giống hoa thành phố phải đáp ứng đủ nhu cầu khi vùng sản xuất Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ cần về lượng về chất”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, cho rằng, TP có lợi thế về số lượng lớn các trường đại học; Viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học. Với số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng lớn nhất nước, trong đó, có nhiều doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, chọn tạo giống mới… Nhiều giống cây trồng mới của các doanh nghiệp từ thành phố đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu giống cây trồng mới và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất tiềm lực khoa học công nghệ.
Theo ông Xô, do doanh nghiệp có chiến lược phát triển giống riêng của mình để đạt lợi nhuận tối đa. Vì vậy, nếu TP Hồ Chí Minh phải có chính sách khuyến khích và định hướng doanh nghiệp tham gia vào quá trình này như nghiên cứu sản xuất giống. Chẳng hạn như doanh nghiệp đang tập trung sản xuất lúa, bắp, giống rau… nếu đặt hàng nghiên cứu sản xuất giống hoa thì cũng nên có chính sách hỗ trợ ban đầu như: ưu tiên đề tài nghiên cứu từ quỹ Khoa học công nghệ, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các loại hoa lan, cây cảnh đang được trồng khảo nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. |
Ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam Bộ cho biết: Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp nghiên cứu – sản xuất – kinh doanh – xuất nhập khẩu giống cây trồng có trụ sở chính tại đây. Nhưng hầu hết đều phải thuê đất ở các tỉnh Đông Nam Bộ hoặc ĐBSCL để sản xuất. doanh nghiệp có nguyện vọng muốn thuê đất dài hạn 20-50 năm ở TP. Hồ Chí Minh để tổ chức nghiên cứu, sản xuất lâu dài và ổn định nhưng chính sách quá nhiêu khê.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết ông rất hiểu những bức xúc, chia sẻ của các DN trong ngành giống cây trồng khi thiếu đất canh tác. “TP. Hồ Chí Minh có 55% diện tích đất làm nông nghiệp mà doanh nghiệp thiếu đất, đăng ký thuê đất 3 năm chưa nhận được trả lời. Việc này chắc UBND TP đã biết rồi nên sớm trả lời cho doanh nghiệp. Tôi tin rằng sẽ làm được thôi vì lĩnh vực giống là hiệu quả nhất trong sản xuất nông nghiệp” – Bí thư Nhân nhấn mạnh.