Được xem là thủ phủ của cây điều Việt Nam với diện tích hơn 140.000ha, nhưng những năm gần đây sản lượng điều Bình Phước sụt giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi. Đặc biệt trong vụ điều vừa qua, năng suất các vườn điều tại Bình Phước sụt giảm nghiêm trọng khiến bà con thất thu nặng.
Xót xa nhiều vườn điều thất thu tới 70%
Ông Hoàng Minh Đức, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú cho biết do thời tiết không thuận lợi, nên vụ điều vừa qua gia đình ông bị lỗ nặng dù đã bỏ ra nhiều vốn để đầu tư vườn điều. Ngoài vườn điều nhà, ông cùng người thân còn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua điều bông, kết quả bị lỗ gần 100 triệu đồng. Tại các khu vực có nhiều người trồng điều như Bù Gia Mập, Bù Đăng... thậm chí có những vườn điều bị thất thu đến 70%. Do đó có những nhà thất thu cả trăm triệu đồng so với những năm trước.
Hầu hết các vườn điều tại Bình Phước đã bị mất mùa nặng trong vụ vừa qua. Ảnh: Hữu Ký.
Do thời tiết không thuận lợi nên vụ điều vừa qua khiến người trồng điều ở Bình Phước bị thất thu nặng dù đã bỏ ra nhiều vốn để đầu tư vườn.
Cũng do năng suất điều giảm nghiêm trọng nên nhiều nhà máy, cơ sở chế biến điều trong tỉnh đang thiếu nguồn nguyên liệu. Ông Lê Văn Thắng, chủ một cơ sở chế biến điều tại huyện Bù Đăng nói mọi năm điều đạt năng suất cao hơn nhưng cơ sở của ông vẫn phải nhập nguyên liệu.
Vào thời điểm trước tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, giá điều nguyên liệu nhập về hơn 60.000 đồng/kg. Dù vậy có nhiều thời điểm cơ sở của ông còn không có nguyên liệu để làm. Dự báo năm nay tình trạng khan hiếm nguyên liệu chế biến còn căng hơn. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng lo ngại năm nay điều nguyên liệu nhập về sẽ nhiều hơn với giá cao hơn so với mọi năm.
Thông tin từ lãnh đạo tỉnh Bình Phước xác nhận vụ thu hoạch điều vừa qua mưa trái mùa, sâu bệnh phát triển đã khiến điều mất mùa nặng. Tính bình quân cây điều tại Bình Phước bị mất mùa hơn 50% so với các năm trước. Tình trạng này dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chế biến điều.
Nhiều nhà máy "đói" nguyên liệu
Ông Nguyễn Anh Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết những năm qua do khan hiếm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh nhập điều nước ngoài về để duy trì hoạt động sản xuất. Tình trạng này là do công suất chế biến của các nhà máy quá lớn, quá nhiều, nhiều nhà máy không có nguồn nguyên liệu dự trữ. Ông dự báo năm nay giá trị điều sẽ tăng cao do điều ở khắp nơi bị thất thu chứ không riêng gì Bình Phước. “Chỉ có vài doanh nghiệp lớn thì có dự trữ, chủ động được nguồn nguyên liệu. Còn đa phần các cơ sở chế biến điều, nhà máy điều tại tỉnh buộc phải chấp nhận nhập nguyên liệu”.
Để giảm thiểu rủi ro cho người trồng điều cũng như các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều, Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho hay tỉnh đang thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân. Hiện tại tỉnh đã có 3 doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện điều này và đã liên kết hình thành được 3 hợp tác xã liên kết phát triển cây điều.
Theo cách này, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho nông dân sản xuất điều sạch, điều hữu cơ chất lượng cao. Như vậy năng suất vườn điều sẽ ổn định, hạn chế được các tác động thời tiết, giá trị hạt điều cao hơn. Còn các doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu để phục vụ hoạt động của nhà máy.
Dịch bọ xít muỗi trên cây điều gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Không chỉ người trồng điều ở Bình Phước bị thất thu nặng mà người dân trồng điều ở Lâm Đồng cũng điêu đứng không kém.
Dịch bọ xít muỗi hại điều đang hoành hành tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) khiến người trồng điều nơi đây bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện nay, ngành chức năng đang thống kê sản lượng điều bị thiệt hại do dịch bọ xít muỗi gây ra ở 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
“Việc thống kê đang tiến hành đến từng thôn, xã, dù chưa có con số chính thức nhưng ước tính có khoảng trên 90% diện tích không thu hoạch được. Theo kế hoạch của tỉnh, năm nay sẽ thu khoảng 18.800 tấn điều nhân, nhưng với tình hình dịch bệnh này ước lượng chỉ thu chừng chưa đến 2.000 tấn. Như vậy, tính ra bà con sẽ thất thu khoảng 17.000 tấn và với giá điều nhân như hiện nay hơn 50.000 đồng/kg, thì thiệt hại khoảng 850 tỉ đồng”, ông Hưng cho hay.
Cũng theo ông Hưng, con số nói trên mới chỉ là ước tính thiệt hại về sản lượng chứ chưa nói đến thiệt hại về cây điều, những diện tích bị nhiễm nhẹ có thể cải tạo, khôi phục, còn những diện tích bị chết cây thì phải chặt đi trồng lại (cây điều trồng mới phải mất 3 năm mới cho thu hoạch) sẽ làm mất giá trị vườn cây.
Trước đó, toàn bộ 27.834 ha diện tích điều ở 3 huyện nói trên bị nhiễm bọ xít muỗi, trong đó có đến 16.709 ha nhiễm nặng, 9.243 ha nhiễm trung bình và 1.882 ha nhiễm nhẹ; tỷ lệ hại từ 37,4 - 100%. Ngày 8.3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện này, đồng thời tỉnh cũng đã phê duyệt phương án phòng chống dịch và hiện cùng bà con nông dân đang vào cuộc dập dịch.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, ngoài gây hại cây điều, do hết nguồn thức ăn, bọ xít muỗi đã lan tràn sang các cây trồng khác như sầu riêng, măng cụt, chè... chích hút các chồi, lá non, chùm hoa, quả gây hiện tượng rụng hoa, rụng trái và cháy đen các chồi, lá non của cây trồng.
Bọ xít muỗi hoành hành cây điều, Lâm Đồng công bố dịch
100% diện tích điều ở 3 huyện phía nam Lâm Đồng bị nhiễm bọ xít muỗi từ nhẹ đến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng đã khiến UBND tỉnh này phải công bố dịch.