Ngày 26/7/2017 chúng tôi trở lại căn nhà tình nghĩa mà Nhà nước đã xây cho mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Cầm khi mẹ còn sống. Cháu của bà Cầm là ông Phạm Văn Dũng đang tất bật chuẩn bị hương hoa để dâng lên mẹ nhân ngày Thương binh liệt sĩ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Dũng cũng không cầm được nước mắt khi nói về vụ án bị đòi đất đã xây nhà tình nghĩa cho mẹ Cầm: Vụ án được thụ lý hơn một năm nay (tháng 4/2016) nhưng đến nay tòa án vẫn không có bất cứ thông báo cho chúng tôi về việc giải quyết vụ án. Sống trong nhà tình nghĩa của mẹ Việt Nam anh hùng mà vợ chồng tôi vẫn lo nơm nớp vì vụ kiện vẫn còn đó.
Nhắc lại câu chuyện về ông Phạm Văn Dũng, người suốt gần 20 năm chăm mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Cầm (Nam Phong, Ninh Phong, thành phố Ninh Bình), nhưng khi mẹ Cầm khuất núi thì cũng là lúc những mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh. Vụ án kiện đòi đất xây nhà tình nghĩa cho mẹ Việt Nam anh hùng đã từng gây xôn xao dư luận hơn một năm về trước.
Chăm mẹ, thờ anh tròn đạo hiếu
Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Cầm chỉ có một người trai duy nhất đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thay anh, mặc dù cháu (gọi bà Cầm là bà cố), nhưng vợ chồng ông Dũng vẫn giữ đạo hiếu chăm sóc mẹ những lúc tuổi già, ốm đau. Để tiện cho việc chăm sóc, vợ chồng ông Dũng cùng mẹ Cầm đều sống chung một mái nhà tại Nam Phong, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình.
Nhà tình nghĩa của mẹ Việt Nam anh hùng xây năm 1997. |
Năm 1997, trên nền đất mà ông Dũng xây dựng nhà cửa cho vợ con, chính quyền địa phương phường Ninh Phong đã xây cho mẹ Cầm một căn nhà tình nghĩa khá khang trang. Cũng từ đó cho đến khi về với tổ tiên, mẹ Cầm được ông Dũng phụng dưỡng, chăm sóc. Cuộc sống gia đình suốt những năm tháng đó êm ấm và hạnh phúc bình dị như bao người khác.
Ấy thế mà đùng một cái, bố mẹ ông Dũng phát đơn khởi kiện đòi lại đất đã tặng cho vợ chồng ông Dũng từ trước năm 1997. Thửa đất này cũng chính là nơi mà UBND phường Ninh Phong đã cất xây ngôi nhà tình nghĩa cho mẹ Viêt Nam anh hùng – Đào Thị Cầm. Điều đáng nói, chính bố mẹ ông Dũng là người đã lên UBND phường làm văn bản tách đất cho con, được UBND phường chứng thực về việc cho tặng, cũng chính ông bà (bố mẹ ông Dũng) đã đồng ý và không có một phản ứng nào khi chính quyền địa phương cùng vợ chồng ông Dũng xây nhà trên mảnh đất đó.
Lý giải về vấn đề này, một cán bộ phường Ninh Phong cho hay: Mâu thuẫn của gia đình ông Dũng phát sinh khi có một người con gái của ông bà Viện (bố mẹ ông Dũng –PV) từ nước ngoài trở về Việt Nam (khoảng năm 2015). Người này chưa có đất ở địa phương và phát sinh mẫu thuẫn với vợ chồng ông Dũng. Từ đó, bố mẹ ông Dũng mới quay ra đòi lại nhà đất đã tặng cho con.
Mỗi khi nhắc đến câu chuyện bị kiện đòi đất, ông Dũng đều tỏ ra rất buồn. “Tôi không giận bố mẹ, vì tôi biết bố mẹ tôi bị người khác xúi giục, thực tế bố mẹ tôi chưa chắc đã hiểu chuyện mặc dù hiện tại đang ủy quyền cho những người kia đi kiện vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi đã ở trên mảnh đất này hàng chục năm không có tranh chấp vậy mà giờ lại bị đe dọa lấy mất nhà đất”, ông Dũng nói.
“Tôi thấy rất đau xót, bởi nếu bà cố (tức mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Cầm – PV) còn sống thì bà sẽ buồn lắm. Bởi cả khu đất này có nguồn gốc là đất của bà cố, những năm 1990, bà Cố đã cho bố mẹ tôi một nửa, sau đó bố mẹ tôi mới chia lại một phần cho con. Ngay trước khi khuất núi vì thương vợ chồng tôi nên bà cố đã có di chúc để lại nhà đất ở đây cho hai vợ chồng tôi quản lý. Chuyện trong gia đình cực chẳng đã mới trở nên như vậy”. Nói đến đây ông Dũng lại rơm rớm nước mắt.
Không thể đòi lại đất đã tặng cho
Ông Vũ Tuấn Anh, cán bộ địa chính phường Ninh Phong xác nhận: Nhà đất mà vợ chồng ông Dũng đang ở là chỗ ở ổn định và duy nhất của cả gia đình. Ngoài ra, vợ chồng ông Dũng không có chỗ ở nào khác cả.
Cũng theo đề nghị của Trưởng phòng Người có công và Quyết định của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình thì ông Dũng là người được chỉ định nhận trợ cấp hàng năm để thực hiện việc thờ cúng liệt sĩ tại nhà đã xây dựng cho mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Cầm.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Đạt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Tòa án TP. Ninh Bình cần đưa vụ án ra xét xử sớm hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án để bảo đảm quyền lợi của các đương sự.
Trong vụ việc này, bên nhận tặng cho đã xây dựng nhà kiên cố, ở ổn định từ trước năm 1997 đến nay và đây là chỗ ở duy nhất của họ nên việc đòi lại đất là không thỏa đáng. Mặt khác, việc tặng cho đã được thể hiện ý chí bằng văn bản thông qua việc chứng thực tại xã phường thì mặc dù các bên chưa hoàn tất việc đăng ký, chuyển giao quyền sở hữu tại phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì giao dịch vẫn có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và hướng dẫn tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai 2013 thì Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ giao nhà tình nghĩa thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.”, luật sư Đạt phân tích.