Ngày 4/8, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện này đã tiếp nhận hai thanh niên trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Theo người nhà của một bệnh nhân, nhóm thanh niên này ở đảo Hòn Tằm, tự mua cồn (chưa rõ loại) về pha chế thành rượu và uống một lượng khá lớn liên tiếp nhiều ngày qua.
Sau đó, các thanh niên xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng, lơ mơ. Dù đã phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng khi tới bệnh viện, 2 trường hợp đã ngưng tim, ngưng thở. Nhân viên y tế đã tích cực cứu chữa bằng nhiều phương tiện hồi sức tích cực nhưng do ngộ độc rượu nặng. Hiện tại hai bệnh nhân gồm P.V.T (31 tuổi) quê ở huyện Khánh Vĩnh, P.P.V (27 tuổi) ở Phước Đồng, TP Nha Trang đã rơi vào tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tụt nặng khó kiểm soát.
Bệnh nhân nặng lúc cấp cứu vào Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang. Ảnh: BVCC
Ngoài ra còn 5 bệnh nhân triệu chứng nhẹ hơn đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Tâm Trí.
Theo BS Lê Kim Lộc, giám đốc Bệnh viện Tâm Trí Nha Trang, trưa ngày 3/8, số thanh niên này lần lượt được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi sơ cứu ban đầu, bệnh viện đã chuyển 2 bệnh nhân rất nặng đến Bệnh viện đa Khoa Khánh Hòa. Còn 5 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được giữ lại để điều trị tại bệnh viện này hiện có sức khỏe ổn định, dự kiến có thể xuất viện trong ngày 5/8.
Theo TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: "Methanol được biết đến là loại cồn công nghiệp dùng để tẩy rửa, chế tạo hoá chất. Tuyệt đối không được dùng để pha chế làm thực phẩm bởi sử dụng liều lượng nhỏ có thể gây ngộ độc dẫn tới tử vong".
Cũng theo BS Kỷ, rượu hay cồn (rượu) có nhiều loại bao gồm: Etanol, methanol, etylen glicol, isopropanol,… Methanol có sẵn trên thị trường dưới dạng dung dịch, chất tẩy rửa, chất chống đông vón. Methanol dễ dàng hấp thụ qua da, phổi và ruột và được chuyển hóa chậm qua gan. Chúng có thể dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa, mù lòa, hoặc thậm chí tử vong. Methanol chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng: say rượu, buồn ngủ, co giật, hôn mê.
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn. Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.